Lĩnh vực văn học dành cho thiếu nhi đã có những tín hiệu mới đầy khả quan, thể hiện qua số lượng, chất lượng sách xuất bản và phát hành. Trong dòng chảy đó có thể thấy, nhu cầu, sở thích đọc của trẻ em đang thay đổi. Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên chia sẻ: “Thị hiếu đọc của trẻ em đang thay đổi rất nhiều. Nhiều em còn quan tâm các vấn đề chính trị, tâm lý được chuyển tải trong tác phẩm”. Điều này đặt ra yêu cầu cho ngành sách phải có những chuyển đổi để bắt kịp xu hướng.Theo đánh giá của các nhà xuất bản, gần đây, việc xuất hiện những cây bút nhí sáng tác tác phẩm dành cho lứa tuổi của mình tạo nên một hiệu ứng tốt, kích thích sự đồng cảm, sẻ chia, sáng tạo ở cả trẻ em và người lớn. Ðặc biệt, các cây bút nhí đã quan tâm, thể hiện được ngôn ngữ, bản sắc quê hương, con người tạo nên nét độc đáo, cuốn hút trong tác phẩm. Đơn cử, tác giả Cao Khải An (sinh năm 2009) với tác phẩm “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Ðồi Rơm”, từng đoạt Giải Khát vọng Dế Mèn lần thứ nhất năm 2020 đã có sự khác biệt trong việc sử dụng ngôn ngữ miền Tây, rất duyên dáng và hài hước, các yếu tố này không thể nào tìm thấy trong tác phẩm nước ngoài. Hay, tác giả Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008) với tác phẩm “Người Sao Chổi” khai thác được các góc nhìn mới của giới trẻ, cập nhật xu hướng hiện đại.Cùng với đó, trong lĩnh vực kén độc giả nhí là thơ cũng rút ngắn được khoảng cách với người đọc, thể hiện qua các tác phẩm như “Ra vườn nhặt nắng” của Nguyễn Thế Hoàng Linh, “Gõ cửa nhà trời” của Bảo Ngọc, “Gia tài của bố” của Đức Phạm. Đồng thời, sự xuất hiện của bộ truyện “Công chúa Kem Dâu” và “Kem Dâu trúng lời nguyền” của Vân Vũ, “Trẻ thượng nguồn” của Bùi Cẩm Linh… đã cho thấy, tác giả trẻ đã khai thác tốt yếu tố kỳ ảo để tạo dựng tác phẩm hấp dẫn bạn nhỏ. Ngoài ra, văn học thiếu nhi còn đa dạng hơn với sự xuất hiện của các tác phẩm thuộc dòng sách pop-up, manga-comic.Tiếp tục đổi mớiVào đúng ngày đầu tiên của tháng 6/2021, Ban Tổ chức đã trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 2 và tiếp tục phát hiện ra các cây bút mới. Đơn cử, bộ sách tranh 4 cuốn “Khác biệt mới tuyệt làm sao” gồm 4 cuốn: “Chú nhỏ ôm giấc mơ tiên”, “Nàng rồng khè ra trà sữa”, “Lão ma cà rồng cuồng cà rốt”, “Nhóc kỳ lân mọc sừng búa đẽo” do một tác giả 9X - Nguyễn Hoàng Vũ, sinh năm 1993 viết lời, cùng 4 họa sĩ là Gà's little world (Minh Trang), Hoàng Trung, Ru-oi (Thanh Xuân) và Linh Vương đã được Ban giám khảo trao giải Khát vọng Dế Mèn. “Khác biệt mới tuyệt làm sao” là một seri sách có tranh minh họa rất công phu, có tính giáo dục rõ ràng như những truyện ngụ ngôn. Nhưng khác với các ngụ ngôn truyền thống, bộ truyện này được xây dựng dựa trên trí tưởng tượng bay bổng đến mức siêu phàm của một tác giả trẻ, văn phong rất hóm hỉnh, hiện đại, đọc lí lắc mà hay, đôi chỗ sử dụng thể loại văn vần như truyện thơ. “Nhìn chung bộ sách khá nặng ký, có phẩm chất hiện đại, cần khuyến khích. Đây xứng đáng là một best seller của các bạn trẻ Việt Nam” – nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.Một tín hiệu vui của văn học dành cho thiếu nhi nữa là việc, những cây bút trẻ vẫn đang miệt mài sáng tác. Nói về Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 2, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết thêm: “Năm nay có 6 tác phẩm dự thi của các em thiếu nhi vượt qua vòng sơ loại, trong đó có 2 bản thảo tiểu thuyết thuộc thể loại fantasy dày khoảng 200 trang của một em học sinh lớp 3 và một em học sinh lớp 6. Tiểu thuyết của em học sinh lớp 6 được viết trực tiếp bằng tiếng Anh, sau đó dịch ra tiếng Việt, được các bạn cùng lớp vẽ tranh minh họa cho. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần 1, trong trọn bộ 4 phần đang viết. Các sáng tác đó của các em là một tín hiệu rất đáng mừng, chúng tôi đã xem xét kỹ, với niềm trân trọng, song cũng nhất trí với nhau rằng, cũng không nên vội vàng vinh danh, vì vẫn còn nhiều mùa giải Dế Mèn để các em tiếp tục hoàn thiện tác phẩm của mình và trau dồi tài năng”.Từ những tín hiệu trên có thể thấy, văn học thiếu nhi đang sôi nổi trở lại với những thông điệp khơi nguồn tri thức, giá trị nhân văn nhằm hướng trẻ em đến một mùa Hè an toàn và ý nghĩa.