Tính tới thời điểm hiện tại, ở Việt Nam đang có khoảng gần 20 ứng dụng chuyên dành cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, chất lượng chưa hẳn đã thể hiện số lượng. Trong thực tế triển khai, mặc dù có nhiều ứng dụng nhưng đa phần trong số này vẫn chưa kết nối liên thông dữ liệu, do đó không thực sự tạo được thuận lợi cho các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch cũng như gây nhiều lúng túng cho người dùng.
Đứng trước vấn đề trên, một yêu cầu cấp thiết được đặt ra là trong thời gian sớm nhất phải có một ứng dụng chính thức duy nhất thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng được yêu cầu về thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch. Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với CEO 1Office Lê Việt Thắng về việc cần thiết phải có một “Super app” như vậy:
Ông Lê Việt Thắng CEO 1Office |
Ông Lê Việt Thắng: Có thể nói, những ứng dụng công nghệ thông tin “Make in Viet Nam” đã góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ thực hiện khai báo y tế điện tử; truy vết, phát hiện người tiếp xúc gần tới quản lý người cách ly, giám sát các khu cách ly, đánh giá nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương đến quản lý công tác tiêm chủng và kết quả xét nghiệm.
Tuy nhiên, một thực tế là những phần mềm phục vụ cho hoạt động chống dịch chưa đạt được chất lượng như mong muốn. Chúng mới chỉ đáp ứng một phần khi quá nhiều việc cần phải làm trong công tác phòng chống dịch hiện nay.
Công nghệ nếu muốn phát huy tính hiệu quả thì cần có giá trị cụ thể, đáp ứng được tiêu chí phổ cập nhanh, dễ dùng cho mọi đối tượng. Thành thật mà nói chỉ có một vài phần mềm có được yếu tố này.
Bên cạnh đó, vẫn đang có một số phần mềm chưa thực sự hiệu quả như tính năng nó được quảng bá. Ví dụ như việc cập nhật thông tin còn chậm, nhập dữ liệu thông tin phải qua nhiều bước, chưa có chế độ tự động cảnh báo đến người dùng…
Chưa kể, việc xuất hiện nhiều phần mềm cùng lúc đã làm giảm hiệu quả trong việc hướng dẫn người dùng tập trung vào một ứng dụng duy nhất để sử dụng và phát huy hết tính năng của nó.
Tôi cho rằng cần tận dụng những ứng dụng công nghệ có sẵn trước đó và tích hợp thêm trải nghiệm trong phòng chống dịch vào một ứng dụng duy nhất, một “Super app” để tiện lợi hơn cho cả khâu quản lý lẫn góc độ của người dùng.
-Như vậy việc hợp nhất các ứng dụng như Ncovi, Bluezone, Sổ sức khỏe điện tử ... lại làm một”Super app” là cần thiết?
Ông Lê Việt Thắng: Đúng vậy, “Super app” là điều cần thiết nhằm tăng tốc hoạt động chống dịch ở thời điểm hiện tại và tiến tới dập dịch trong tương lai. “Supep app” khi đó sẽ tích hợp tất cả những tính năng cần thiết, cơ bản cho người dân và doanh nghiệp cùng sử dụng trong công tác phòng chống dịch và giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động phòng chống dịch.
-Hiện các bộ, ngành đang bắt đầu triển khai liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng, qua đó mỗi người dân sẽ được cấp một mã QR cá nhân. Mã này sẽ liên thông dữ liệu với tất cả các ứng dụng phòng chống dịch hiện nay như khai báo di chuyển, khai báo y tế và xét nghiệm, tiêm chủng… Điều này sẽ đặt ra câu hỏi lớn về bảo mật ?
Ông Lê Việt Thắng: Có thể nói, những ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch khi được gom về một hệ thống và đồng bộ tất cả thông tin là điều nên làm.
Dù vậy, khi bắt đầu liên thông dữ liệu thì bài toán về an toàn bảo mật thông tin là điều cần được tính đến. Để giải bài toán này, thì việc xây dựng và cập nhật dữ liệu phải thực hiện theo nguyên tắc dữ liệu của người dùng cần được thống nhất và lưu trữ tại một tổ chức uy tín trực thuộc các cơ quan quản lý, nhà nước.
Đồng thời, việc bảo mật dữ liệu không chỉ dừng lại tập hợp về một đầu mối mà cần có thêm phương án bảo mật dự phòng để tránh bị đánh cắp dữ liệu. Việc cam kết với người dân về việc bảo mật dữ liệu cũng phải được thực hiện nghiêm túc. Ví dụ, cam kết dữ liệu sẽ được xóa bỏ sau khi nhà nước công bố hết dịch.
Vấn đề bảo mật nếu sơ hở sẽ ảnh hưởng đến an toàn thông tin quốc gia. Vì vậy an toàn dữ liệu thông tin phải là mục tiêu tối quan trọng.
-Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT thống nhất phát triển một “Super app” có tên PcCovid nhằm giải quyết tình trạng loạn ứng dụng Covid-19 như đã nói ở trên. Vậy trong thời điểm chờ đợi xuất hiện PcCovid, có cách nào giúp người dùng sử dụng cùng lúc các ứng dụng hiệu quả hơn?
Ông Lê Việt Thắng: Quyết sách của Chính phủ đã rất kịp thời trong bối cảnh hiện tại. Trước khi trải nghiệm ứng dụng mới, người dùng nên sử dụng từng ứng dụng theo mục tiêu và nhu cầu của mình. Mỗi ứng dụng ra đời đều có tác dụng nhất định. Ví dụ ứng dụng Bluezone phát hiện tiếp xúc gần, NCOVI để khai báo y tế tự nguyện toàn dân, "Sổ sức khỏe điện tử" giúp mỗi người theo dõi lịch sử tiêm phòng vaccine…
-Một khía cạnh có liên quan, việc ứng dụng công nghệ vào phòng, chống dịch ở một số địa phương còn nhiều lúng túng. Đơn cử là chuyện cấp giấy đi đường tại Hà Nội thời gian qua có quy trình khá rắc rối. Vậy công nghệ có thể giải bài toán này như thế nào?
Ông Lê Việt Thắng: Thực tế, giải pháp cho bài toán về cấp giấy đi đường hay phiếu đi chợ trong thời điểm giãn cách xã hội không quá khó. Hiện chúng tôi đã xây dựng một phần mềm miễn phí cho người dân, và doanh nghiệp muốn cấp giấy đi đường chỉ cần đăng ký qua ứng dụng. Sau đó, cơ quan chức năng có thẩm quyền chỉ cần xác nhận qua hệ thống phần mềm. Chúng tôi đang lên kế hoạch thí điểm và xin ý kiến các ban ngành chức năng để đưa ứng dụng đi vào hoạt động.
Về phía các địa phương, để tận dụng tốt thế mạnh mà công nghệ mang lại, tôi cho rằng mỗi địa phương tùy theo điều kiện và hoàn cảnh thực tế cần áp dụng linh hoạt những biện pháp phòng chống dịch hiện có để bằng cách tối đa tạo được sự đồng thuận cao nhất của người dân vừa đảm bảo mục tiêu chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
- Xin cảm ơn ông!