Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Suy dinh dưỡng vì bị ép ăn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những người sống gần nhà chị L.V lúc nào cũng thường bắt gặp cảnh “cho con ăn, rồi lại cho con ăn” mỗi ngày.

 Ép con ăn quá nhiều hoặc ăn theo chế độ dinh dưỡng như những trẻ khác là thói quen thường gặp ở nhiều bà mẹ. Nhưng những chế độ dinh dưỡng đặc biệt đôi khi lại không mang lại kết quả như mong muốn. Hơn thế nhiều bà mẹ phải ngậm ngùi nhìn con ngày càng còi đi, thậm chí suy dinh dưỡng.
 
Suy dinh dưỡng vì bị ép ăn - Ảnh 1
 
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Khi đón các con ở trường về là chị L.V lao ngay vào chuẩn bị đồ ăn cho ăn. Các bữa ăn dồn dập liên tục. Lịch ăn này được chị thiết lập ngay từ khi có con đầu lòng và được duy trì cho tới tận khi chị có đứa con thứ hai.

Vì tâm lý chị L.V rất lo không biết ở trường lớp con có ăn được nhiều không, cô giáo có xúc cho con chị ăn không, trong khi bình thường ở nhà mẹ luôn phải xúc cho thì con chị mới chịu ăn. Chị luôn lo con đói nên khi chiệu về đến nhà là chị nhồi cho con ăn rất nhiều. Có khi vừa ăn xong, 10 phút sau chị lại bắt con ăn tiếp, ăn liên tục, cho đến khi chỉ khoảng 6 - 7h tối là con chị đã ăn đến 6 - 7 bữa.
 
Mặc dù được chăm chút như vậy nhưng đã gần 8 tháng nay, cậu con trai thứ 2 của chị vẫn không phát triển về chiều cao và cả cân nặng. 

Theo BS. Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, không nên vì mong con nhanh tăng cân mà ép trẻ ăn quá nhiều. Việc này nhiều khi càng khiến trẻ sợ ăn, biếng ăn tâm lý, dẫn đến suy dinh dưỡng. 

Như khi trẻ bị ốm, mọc răng... trẻ dễ bị biếng ăn, chưa kịp ăn ngon miệng trở lại thì bị người lớn thúc ép ăn, hoặc là trẻ mải chơi trong khi người lớn thúc ép về mặt thời gian cho nên trong các bữa ăn trẻ bị quát mắng, thậm chí bị đánh làm cho các cháu sợ bữa ăn, chỉ cần nghe hoặc nhìn thấy bát bột, bát cơm là trẻ quay đi. Trẻ lớn hơn thì chạy trốn, nhiều cháu cứ hễ thấy bát bột là khóc, buồn nôn. Một số trẻ con không ăn để chống đối cha mẹ.

Để giải quyết tình trạng biếng ăn bệnh lý, cần phải có sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng về chế độ ăn cụ thể, phù hợp với từng trẻ, và điều quan trọng là trong bữa ăn phải tạo ra một không khí vui vẻ thoải mái giúp trẻ ăn ngon miệng. Tránh không nên “đè” trẻ ra bắt ăn, không nên mắng mỏ, dọa dẫm trẻ ăn.