Suy nghĩ về việc cấp phép dự thi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hoa hậu châu Á Thái Bình Dương (tiền thân là cuộc thi Miss Asia Pacific International bắt đầu từ năm 1968) vừa khép màn bằng những chuyện hy hữu chưa bao giờ xảy ra trong các cuộc thi sắc đẹp

Như: Trao nhầm vương miện hoa hậu, xác định sai quốc tịch thí sinh, không trao tiền thưởng… Đại diện Việt Nam là người đẹp Trương Tùng Lan tham gia cuộc thi này và đã lọt vào top 15 người đẹp nhất.

Trong đêm chung kết diễn ra tại Hàn Quốc, BTC đã trao chiếc vương miện cao nhất cuộc thi cho người đẹp nước chủ nhà là Jung Eun A. Các danh hiệu Á hậu gồm: Á hậu 1 thuộc về người đẹp Pháp, Á hậu 2 thuộc về người đẹp Nga, Á hậu 3 thuộc về người đẹp Indonesia và Á hậu 4 thuộc về đại diện của Ấn Độ. Chiều 21/10, trên trang web Global Beauties, bỗng xuất hiện một người đẹp Hàn Quốc tên là Park Sae-Byul lên tiếng "tố" BTC không trao tiền thưởng sau cuộc thi cho người đăng quang. Đến lúc ấy, BTC cuộc thi mới chính thức đính chính rằng có sự nhầm lẫn khi trao vương miện. Thực chất, hoa hậu là người đẹp Pháp (bị trao nhầm là Á hậu 1) còn người đẹp Hàn Quốc được trao vương miện đăng quang chỉ là Á hậu 1.

Nói về những sự cố tại cuộc thi này, bà Bùi Thúy Hằng, đại diện Công ty Elite Việt Nam (đơn vị chịu trách nhiệm đưa người đẹp Tùng Lan tham dự cuộc thi này) giải thích: Vài ngày các thí sinh lại phải thay đổi chỗ ở một lần, mỗi thành phố lại có một BGK chấm điểm riêng biệt. Chính vì lý do đó dẫn đến việc trao nhầm giải thưởng cho thí sinh không tham gia dự thi, nhầm lẫn về vị trí địa lý quốc gia do thời gian tiếp xúc với thí sinh quá ngắn và các phần thi quá dài khiến BGK không theo dõi hết, không có người phiên dịch đầy đủ cho các thí sinh, BTC và thí sinh không hiểu nhau… Tuy nhiên, những lời giải thích trên không làm công chúng vừa lòng. Chưa kể cách hành xử trong và sau cuộc thi của BTC càng khiến nhiều người đặt câu hỏi về phẩm chất của những người đứng đầu.

 Đó là điều đáng buồn của nhà tổ chức thế giới, còn điều đáng buồn ở Việt Nam là các cơ quan quản lý đã quá dễ dãi trong việc cấp giấy phép cử đại diện dự thi. Mặc dù bà Thúy Hằng cho rằng: "Elite là đơn vị nắm giữ bản quyền của nhiều cuộc thi danh tiếng trên thế giới như Miss World, Miss International, Elite Model Look... nên không bao giờ chạy theo việc đưa thí sinh đi bằng mọi giá bất chấp chất lượng cuộc thi". Nhưng nhìn từ những vụ rắc rối mà Elite Việt Nam  - một đơn vị có tới 10 năm kinh nghiệm trong việc cử người đẹp đi thi quốc tế - vấp phải tại cuộc thi Hoa hậu châu Á Thái Bình Dương 2011 cùng nhiều sự việc liên quan đến chất lượng các cuộc thi nhan sắc có tính quốc tế khác như Hoa hậu Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Châu Á…, và nhìn vào cả mối hời kinh tế mà công ty nắm giữ bản quyền có được từ đơn vị tổ chức thế giới, càng cần đặt ra những suy nghĩ về việc cử người đẹp đi thi các cuộc thi sắc đẹp quốc tế và khu vực. Nên chăng các đơn vị có trách nhiệm đưa người đẹp đi thi cũng như đơn vị cấp phép cũng cần có sự tìm hiểu và cân nhắc kỹ hơn về các cuộc thi sắc đẹp trước khi "đem chuông đi đấm xứ người" để tránh làm tổn hại đến hình ảnh và uy tín quốc gia.