Thông tin này cho thấy Idlib, nơi đóng quân lớn cuối cùng còn lại của các phe nổi dậy chống ông al-Assad, đang đối mặt với viễn cảnh trở thành “biển máu” cho một cuộc đối đầu kết thúc 7 năm nội chiến Syria.
|
Người dân Syria đi lánh nạn khỏi vùng chiến sự Idlib. Ảnh: AFP |
Idlib hiện có khoảng 3 triệu người sinh sống, nhưng có khoảng 70.000 tay súng nổi dậy. Trong thời gian gần đây, quân đội Syria đã chuẩn bị cuộc tấn công cuối cùng để chiếm lại TP này. Trong khi đó, Mỹ và các nước không ủng hộ ông al-Assad cảnh báo nguy cơ có khủng hoảng nhân đạo, ước chừng khiến 700.000 người mất nhà cửa nếu Idlib bị tấn công. Tổng thống Mỹ Donald Trump đi xa hơn khi viết trên Twitter cảnh báo chính quyền al-Assad “đừng liều lĩnh tấn công Idlib”. Thậm chí Nhà Trắng khẳng định sẽ có hành động nếu Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Một hy vọng trong diễn biến ngày 5/9 là động thái từ Thổ Nhĩ Kỳ, khi Ngoại trưởng nước này Mevlut Cavusoglu tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Nội dung cuộc gặp gỡ xoay quanh cuộc xung đột Syria và việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ linh mục người Mỹ Andrew Brunson. Dù còn nhiều khác biệt, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có điểm chung trong việc phản đối vai trò của ông al-Assad trong các cuộc đàm phán giải pháp chính trị cho Syria hậu chiến tranh. Nếu Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết được khúc mắc, đó có thể là hy vọng để Idlib tránh một cuộc đại chiến.
Ngày 10 và 11/9 tới, đại diện Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng phía Nga và Iran có cuộc họp quan trọng tại Liên Hiệp Quốc. Ngay sau đó, các đặc sứ Anh, Mỹ, Pháp, Jordan, Ả Rập Xê Út, Đức và Ai Cập cũng có một cuộc họp khác. Đây thực chất có thể là lúc các bên “ngửa bài” về ý định của họ trong tiến trình đàm phán hòa bình cho Syria, và với những lợi ích chồng chéo, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò quan trọng cho vận mệnh của Idlib tới đây, trong bối cảnh quân đội Syria với sự bảo trợ của Nga rất muốn chiếm tỉnh này để giành lợi thế trên bàn đàm phán với quân nổi dậy.