70 năm giải phóng Thủ đô

Tác động chuyển đổi số thấm đến từng người dân Thủ đô

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận với quá trình chuyển đổi số trong mọi ngành, mọi lĩnh vực.

 Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ hệ thống chính trị của Hà Nội đã vào cuộc, nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số và đã triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, theo lộ trình chung của toàn TP nhằm hướng đến xây dựng Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số - Công dân số một cách toàn diện.

Nhiều kết quả tích cực

Nghị quyết số 18-NQ/TU về Chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thành ủy Hà Nội hay gần đây nhất là Kế hoạch 239/KH-UBND về Chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã thể hiện rõ quyết tâm cũng như tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị của TP.

Các nhà mạng sẵn sàng hạ tầng số và bảo đảm an ninh mạng cho quá trình chuyển đổi số trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Cao Hưng
Các nhà mạng sẵn sàng hạ tầng số và bảo đảm an ninh mạng cho quá trình chuyển đổi số trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Cao Hưng

Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, chuyển đổi số của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hiện Thủ đô đang là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước bảo đảm đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Các chỉ số xếp hạng, đánh giá liên quan đến chuyển đổi số năm 2022 được nâng cao, trong đó có chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 24/63 tỉnh/TP, tăng 16 bậc so với năm 2021. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 78%, tỷ lệ hộ gia đình có truy cập internet băng rộng đạt 90%.

Bên cạnh việc ban hành các Chương trình, Kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ cụ thể của chuyển đổi số, UBND TP đã tập trung chỉ đạo để trong thời gian ngắn, các hệ thống lớn, dùng chung toàn TP đã hoàn thành như: Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính… Bên cạnh đó, các quy định, quy chế cũng được ban hành kịp thời nhằm bảo đảm vận hành, khai thác các hệ thống thông tin, như: Quy chế bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động CQNN TP đã hoàn thành trong quý I/2023 (Quyết định số 2223/QĐ-UBND); Quy chế hoạt động hệ thống thư điện tử TP…

Đối với hạ tầng số, trung tâm dữ liệu chính của TP đang được tập trung triển khai để sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong quý IV năm nay. Cùng với đó là tiếp tục duy trì, bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt mạng diện rộng WAN, Hệ thống giao ban trực tuyến được triển khai tới 3 cấp chính quyền của TP.

TP Hà Nội cũng đã ban hành Danh mục dữ liệu mở của TP (tại Quyết định số 3478/QĐ-UBND ngày 4/7/2023) là những dữ liệu chuyên ngành sẽ được triển khai chia sẻ trong nội bộ cơ quan Nhà nước và với công dân tổ chức trong thời gian tới. Đồng thời, TP đã chỉ đạo triển khai Cổng dữ liệu TP và hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của TP (LGSP). Đây là 2 hệ thống cơ bản làm nền tảng để các đơn vị tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong cơ quan Nhà nước.

Với nền tảng đang có, Hà Nội cũng đã đặt ra nhiều mục tiêu cho quá trình chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh đến năm 2025 và dài hạn hơn đến năm 2030. Bao gồm 27 chỉ tiêu về chính quyền số với 100 nhiệm vụ, 7 chỉ tiêu về kinh tế số với 77 nhiệm vụ, 14 chỉ tiêu về xã hội số với 6 nhiệm vụ và các nhiệm vụ về nghiên cứu khoa học công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế, đo lường giám sát triển khai, giảm thiểu tác động tiêu cực của phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trong đó, TP đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm khoảng 30%. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Năng suất lao động hằng năm tăng 7 - 7,5%… Khuyến khích các DN trên địa bàn TP ứng dụng công nghệ số nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh cũng như hình thành các mô hình kinh doanh mới. Tài chính, ngân hàng, du lịch, bưu chính… sẽ là những lĩnh vực được ưu tiên chuyển dần từ mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình kinh doanh trên nền tảng số…

Đột phá với Đề án 06

Được Chính phủ chọn là thí điểm về việc thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Hà Nội đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên hàng đầu từ gần 2 năm nay. Đồng thời việc thực hiện Đề án cũng là thể hiện rõ ràng nhất quyết tâm chính trị về chuyển đổi số của Thủ đô, với việc lấy dữ liệu làm nền tảng và giá trị cốt lõi.

Về cơ bản, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã hoàn thành trên 50% khối lượng nhiệm vụ của Đề án 06. Trong đó đáng chú ý là việc thực hiện ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được đẩy mạnh khi phê duyệt 617 phương án ủy quyền giải quyết TTHC với mục tiêu “cấp nào sát dân, gần dân thì giao cấp đó thực hiện”. Qua đó tránh được nhiều tầng nấc trung gian, giảm thiểu nhũng nhiễu, tiêu cực trong việc giải quyết TTHC của người dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP đã tiếp nhận trên 135.800 hồ sơ, trong đó trên 126.200 hồ sơ đã hoàn thành xử lý, trả kết quả. Cả 2 dịch vụ công liên thông đã tiếp nhận và giải quyết tổng số 34.253 hồ sơ (trong đó có 31.916 hồ sơ đăng ký khai sinh, 2.337 hồ sơ đăng ký khai tử). Gần 100% trường hợp công dân thực hiện đăng ký khai sinh - khai tử đều được tuyên truyền, vận động thực hiện liên thông. Ngày từ tháng 5/2023, Hà Nội đã triển khai thí điểm việc cấp bản sao điện tử giấy khai sinh, trích lục khai tử thực hiện liên thông TTHC.

Ngoài ra, TP đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06 (đạt 100%). Có 9/25 dịch vụ công trực tuyến được tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trực tuyến, không có hồ sơ tiếp nhận trực tiếp. Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có trên 4,7 triệu người có thẻ Bảo hiểm y tế được đồng bộ, xác thực dữ liệu với căn cước công dân, có thể sử dụng căn cước công dân để đi khám chữa bệnh; 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ Bảo hiểm y tế; trên 1,1 triệu lượt công dân sử dụng căn cước công dân để tra cứu khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh. Tính đến ngày 28/6, toàn TP đã kích hoạt 4.220.601/6.220.864 tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 67,8%.

 

Hà Nội sẽ tập trung vào 4 nhóm nội dung cơ bản của chuyển đổi số như: Số hóa thực thể (định danh cá nhân, đất đai, nhà cửa, định vị, bản đồ số) phục vụ người dân, DN; Số hóa quy trình (phương thức phối hợp các hoạt động trong hệ thống); Rà soát, xây dựng cơ chế, hoặc kiến nghị những quy định không thuộc thẩm quyền của UBND TP; Chuyển đổi số, chính là thực hiện quá trình đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm, dịch vụ với 3 nền tảng hướng tới hình thành 3 trụ cột Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải