Hàng Việt sang Trung Quốc gặp khó?
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong 7 tháng qua, mặc dù kim ngạch XK cả nước đạt khoảng 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ 2018 nhưng XK vào thị trường Trung Quốc chỉ đạt 16,68 tỷ USD, tăng 0,3%. Trong đó, kim ngạch XK điện thoại giảm 549 triệu USD, XK giảm 329,3 triệu USD, mặt hàng thủy sản cũng chỉ đạt 572 triệu USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ 2018.
Lý giải nguyên nhân khiến kim ngạch XK vào thị trường Trung Quốc giảm mạnh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho hay, XK sang Trung Quốc tăng trưởng quá thấp là do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc sau xung đột thương mại Mỹ - Trung giảm mạnh.
Ngoài ra, việc phá giá đồng NDT cũng là nguyên nhân làm hàng hóa nhập khẩu đắt lên, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Khi nói về những khó khăn trong việc XK hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là mặt hàng nông sản, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Vũ Thanh Sơn nêu rõ: Hầu hết DN XK hàng sang Trung Quốc đều giao dịch bằng đồng USD, việc đồng NDT giảm giá so với đồng USD đã khiến giá XK của Việt Nam cao hơn hàng Trung Quốc nên DN Trung Quốc không mặn mà nhập khẩu.
Thực tế, hoạt động XK sang thị trường Trung Quốc thời gian gần đây cho thấy, Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính” mà đã có yêu cầu cao hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Chẳng hạn, từ 1/4/2018, cơ quan kiểm dịch tỉnh Quảng Tây đã tiến hành giám sát chặt chẽ đối với mặt hàng hoa quả nhập khẩu không đủ thông tin về truy xuất nguồn gốc chất lượng. Vừa qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng thông báo, từ ngày 1/10, Trung Quốc dự kiến áp dụng chứng thư đi kèm sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào thị trường này và cũng đưa ra biện pháp quản lý giám sát ghi nhãn thực phẩm xuất nhập khẩu đóng gói sẵn.
Thay đổi để thích ứng thị trường
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN XK hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương vừa tổ chức cuộc họp khẩn với Cục Xuất nhập khẩu. Tại cuộc họp, các đại biểu có chung ý kiến, DN cần thay đổi cách thức XK sao cho phù hợp, đồng thời cần thúc đẩy XK sang các thị trường khác.
Đánh giá những tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng “rất đáng quan ngại”. Vấn đề này sẽ gay gắt hơn vì năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam còn hạn chế.
“Không thể phủ nhận việc Việt Nam đang phụ thuộc vào một số thị trường trọng điểm, khi các thị trường này biến động sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại. Do đó, phải đánh giá lại thị trường, năng lực hệ thống sản xuất, năng lực xây dựng, thực thi chính sách… Từ đó đưa ra kịch bản tăng trưởng xuất nhập khẩu ở các thị trường, ngành hàng cụ thể trong những tháng cuối năm. Trong đó, Cục Xuất nhập khẩu phải đánh giá lại các nhóm hàng có nguy cơ bị tranh chấp thương mại để phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xử lý, có giải pháp ứng phó” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.
Đề xuất cách thức tăng trưởng XK vào thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh yêu cầu, thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Bộ NN&PTNT đàm phán mở rộng hơn diện các mặt hàng rau quả XK theo đường chính ngạch sang Trung Quốc. Ngoài ra, để hạn chế rủi ro khi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, DN cần tận dụng các FTA mà Việt Nam đã ký kết, qua đó đa dạng hóa thị trường XK, đẩy mạnh khai thác thị trường Mỹ, châu Âu, Úc...
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khuyến cáo, trong tương lai Trung Quốc sẽ đặt ra những quy định chặt chẽ hơn nữa, vì vậy, DN Việt Nam cần nâng cao năng lực, nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch của thị trường Trung Quốc. Đồng thời thay đổi cách tiếp cận về ATTP từ việc kiểm tra sản phẩm cuối cùng sang giám sát toàn bộ các công đoạn sản xuất.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung quá phức tạp, vượt quá khả năng đánh giá, dự báo cũng như phân tích. Cuộc chiến này đang đặt ra thách thức rất lớn cho các quốc gia có quan hệ thương mại với hai nước này, trong đó có Việt Nam. Từ chỗ là cuộc xung đột thương mại, chuyển sang xung đột công nghệ và giờ là xung đột tiền tệ. Xung đột thương mại có thể đánh thẳng vào các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam, ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng XK. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh |