Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tác động tích cực của những khu vườn cộng đồng

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở nhiều con đường, tuyến phố trên địa bàn Thành phố Hà Nội không khó bắt gặp những vườn rau do chính người dân trồng tại các khu vực ít được chăm sóc, quản lý.

Nhiều lợi ích…

Tại Hà Nội hiện nay, rất dễ dàng bắt gặp các vườn cộng đồng tự phát tại những khu vực công cộng như vỉa hè trước nhà, sân chung, đất xen kẹt chưa được sử dụng, và đặc biệt là không gian trong các công viên, vườn hoa, ven hồ nước ít được chăm sóc, quản lý.

Rau xanh trên triền đê Nguyễn Khoái.
Rau xanh trên triền đê Nguyễn Khoái.

Dọc trên phố Nguyễn Khoái (quận Hai Bà Trưng) từ lâu xuất hiện những hàng rau xanh mướt được người dân trồng trong các ô ở bờ kè hai bên đường. Những hốc bê tông trơ trụi được tận dụng để trồng các loại rau như muống, bí, mồng tơi... lúc nào cũng xanh tốt.

Người dân sinh sống tại đây chia sẻ, dọc khu vực này trước đây là điểm tập kết rác thải, phế liệu gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm cảnh quan. Trước tình trạng đó, các hộ gia đình đã cùng nhau dọn cỏ, đào đất trồng rau.

Ngoài những hàng rau xanh mướt hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ được bón phân vi sinh, còn trồng thêm hoa, cây cảnh giúp tăng mỹ quan khu phố. Cùng với đó, người dân nơi đây cũng có trách nhiệm gìn giữ bờ đê, chỗ nào bị xói mòn, sạt lở do thời tiết, các hộ dân sẽ chở đất tới bổ sung ngay.

Tại Khu Đô thị mới Linh Đàm, do nhu cầu bức thiết về một không gian trồng trọt – giao lưu, rất nhiều diện tích vườn tự phát đã xuất hiện. Cách thức tổ chức vườn cộng đồng tự phát rất đa dạng: trồng trực tiếp trong công viên, trồng trong chậu, hoặc trồng trong thùng xốp, trồng tại các khu đất trống chưa được tổ chức không gian cảnh quan…

Có thể thấy, bên cạnh việc trồng rau, người dân còn trồng và chăm sóc các loại thực vật có chức năng trang trí. Điều này thể hiện rất rõ mong mỏi của người dân không chỉ trong việc tạo ra nguồn rau sạch mà còn cải thiện chất lượng cảnh quan không gian sống.

… nhưng thiếu khung pháp lý

Theo các chuyên gia, nhìn từ thực tế nay cho thấy, người dân có nhu cầu rất lớn về không gian xanh tại đô thị. Thế nên hàng loạt cách thức được thiết lập, quy mô đa dạng như chai nhựa, khay nhựa, thùng xốp đã qua sử dụng được tái chế để trở thành vật dụng trồng cây; những cây leo thì trồng trên giàn được ghép bằng cành cây, tre khô.

Đối với những hộ gia đình phía trước cửa nhà có vỉa hè hay bồn cây, người dân sẽ xếp những viên gạch (có thể là gạch khi lát vỉa hè còn thừa tạo) nên một ô đất bằng gạch để trồng cây.

Tuy nhiên, đi kèm với đó là tính tự phát của mô hình này, khi không có giới hạn hay quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước, người dân trồng bất cứ thứ gì họ muốn hoặc cho là cần thiết cho nhu cầu hàng ngày; xây dựng vườn bằng bất kể các loại công cụ sẵn có...

Thạc sĩ Luật Kinh tế Lê Sơn Tùng nhìn nhận, những vườn cộng đồng này mang lại lợi ích như người dân bước chân ra khỏi nhà là có thực phẩm sạch thay vì phải đi chợ; kiểm soát được việc thực phẩm được nuôi trồng một cách tự nhiên và cải thiện môi trường sống xung quanh của con người...

"Tuy nhiên loại hình này tiềm ẩn nhiều vấn đề, có thể gây tác động tiêu cực khi thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng và các khung pháp lý. Do đó, cơ quan có chức năng nên sớm có quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn liên quan đến không gian xanh, phát triển các dạng hình vườn đô thị trong quy hoạch, thiết kế khu đô thị, nhà ở, văn phòng, trường học…" - thạc sĩ Lê Sơn Tùng nhìn nhận.