Cú hích cho tinh thần nỗ lực của học sinh
Xét tuyển sớm là các đợt tuyển sinh diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, thường là xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, xét chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT, IELTS...) hoặc kết hợp giữa các yếu tố trên. Với xét tuyển sớm, học sinh biết mình đủ điều kiện (đỗ đại học) từ đầu năm học lớp 12, thậm chí khi đang học lớp 11 và chỉ chờ thi tốt nghiệp THPT.

Do đã đỗ đại học nên ít nhiều tạo nên tâm lý chủ quan, buông lỏng việc học trong một bộ phận không nhỏ học sinh. Trong khi đó, giai đoạn kiến thức lớp 11, 12 là rất quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông. Mặt khác, số học sinh sử dụng các điều kiện để xét tuyển sớm đa phần ở các TP lớn, những nơi đô thị phát triển. Vô hình chung, xét tuyển sớm vừa ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục phổ thông lẫn giáo dục đại học, đồng thời còn là một trong những nguyên nhân tạo nên sự mất công bằng trong giáo dục.
Nhiều giáo viên THPT cho rằng, bỏ hẳn xét tuyển sớm ngay từ năm 2025 là quyết định đúng đắn, thể hiện tinh thần quyết liệt của Bộ GD&ĐT. Từ nay sẽ chấm dứt hoàn toàn tình trạng học sinh lớp lớp 11, 12 đến lớp học lớt phớt, ngủ gật, học không tập trung… do các em đã trúng tuyển đại học bằng xét tuyển sớm và đến lớp chỉ học cầm chừng để chờ thi tốt nghiệp THPT.
“Tất cả phương thức chỉ xét chung một đợt – cùng đợt xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này chắc chắn sẽ tạo cú hích để toàn bộ học sinh THPT phải học nỗ lực, tập trung, nghiêm túc suốt 3 năm và cố gắng hết mình trong kỳ thi tốt nghiệp; sau đó, việc sử dụng phương thức xét tuyển nào là quyền lựa chọn của các em”, cô Nguyễn Hà Anh, giáo viên một trường THPT tại quận Thanh Xuân cho biết.
Chia sẻ việc Bộ GD&ĐT sẽ bỏ hẳn xét tuyển sớm từ năm 2025, Lê Anh Thư, học sinh lớp 12, quận Đống Đa chia sẻ:“Vài tháng trước em có nghe về chủ đề này và ban đầu rất hy vọng các trường sẽ khống chế 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm để mình có cơ hội trúng tuyển đại học trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. 2 năm qua, em đã cố gắng rất nhiều để ôn, thi chứng chỉ SAT và đã đạt số điểm mong muốn. Như mọi năm, em đã chắc chắn giành suất vào đại học tốp đầu, nhưng năm nay thì chưa có gì chắc chắn. Điều này khiến em phải tiếp tục học cho đến khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT”.
Không làm ai mất cơ hội
Thông tin Bộ GD&ĐT bỏ hẳn xét tuyển sớm vẫn khiến bộ phận nhỏ học sinh và phụ huynh tâm tư vì cho rằng: đầu tư cả thời gian, công sức, tiền bạc để tham dự các kỳ thi riêng hoặc các kỳ thi chứng chỉ với mong muốn trúng tuyển qua xét tuyển sớm thì nay lại vô nghĩa, học sinh có chứng chỉ tốt nhưng cơ hội ngang bằng các em không có.

Giải đáp thắc mắc trên, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng: không phải vì xét tuyển sớm, thí sinh sẽ tăng cơ hội trúng tuyển hoặc bỏ xét tuyển sớm làm giảm cơ hội trúng tuyển của học sinh. Khi xét tuyển trên hệ thống chung, các em hãy dùng tất cả các minh chứng mình có (chứng chỉ SAT, IELTS, ACT…., kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…). Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT sẽ giúp thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất theo thứ tự ưu tiên.
Thời điểm này, học sinh cần bình tĩnh và tiếp tục thực hiện những kế hoạch học tập của mình, bao gồm việc đăng ký tham dự các kỳ thi riêng, kỳ thi chứng chỉ (nếu có); tuy nhiên luôn nhớ nhiệm vụ quan trọng trọng không được phép bỏ qua, đó là ôn và thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả tốt.
Cùng quy định bỏ hẳn xét tuyển sớm, quy chế tuyển sinh đại học sắp công bố còn có một số điểm mới mà học sinh cần lưu ý. Cụ thể, Bộ yêu cầu nếu dùng kết quả học tập THPT để xét tuyển thì phải sử dụng kết quả của cả 3 năm học (10, 11, 12). Các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển phải quy đổi tương đương điểm trúng tuyển. Các trường có thể quy đổi kết quả các chứng chỉ ngoại ngữ (theo danh mục của quy chế thi tốt nghiệp THPT) thành điểm ngoại ngữ để xét tuyển. Bên cạnh đó, điểm cộng ưu tiên không vượt quá 10% mức điểm tối đa, đồng thời tổng điểm xét của thí sinh không vượt quá mức điểm tối đa 30/30 điểm.
Quy chế mới bỏ yêu cầu về việc mỗi ngành, chương trình đào tạo chỉ tối đa có 4 tổ hợp xét tuyển. Riêng yêu cầu các môn chung giữa các tổ hợp xét tuyển chiếm tối thiểu 50% trọng số điểm xét tuyển sẽ áp dụng từ năm 2026. Quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành sư phạm và sức khỏe vẫn giữ nguyên như quy chế hiện hành.
Hiện có khoảng 70 cơ sở giáo dục đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025; trong đó đều không có xét tuyển sớm và thực hiện đúng quy định của Bộ về tổ hợp xét tuyển, quy đổi điểm, số kỳ xét học bạ THPT… Lãnh đạo nhiều trường đại học nhận định, việc bỏ xét tuyển sớm không chỉ giúp học sinh tăng động lực học tập, thầy cô tăng trách nhiệm ôn tập, bảo đảm chất lượng giáo dục ở cấp THPT cũng như chất lượng tuyển sinh đại học mà còn hướng tới mục tiêu “Dạy thật, học thật, nhân tài thật”.