Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tác dụng ngược

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trừng phạt về thể chất và tinh thần không phải là cách giáo dục tốt nhất dành cho trẻ, nhưng không phải ai cũng biết và đủ "kiên nhẫn" để thực thi trong cuộc sống.

Một nghiên cứu cho thấy, trong khi có hơn 90% trẻ cho biết đã bị mắng chửi và đánh, nhưng chỉ có 1/4 số cha mẹ thừa nhận có hành vi này. Nhiều bậc phụ huynh vẫn cho rằng, đó là một hình thức kỷ luật có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, những hành vi đánh trẻ ngoài việc bị đau sẽ làm giảm sự sáng tạo của trẻ, khiến trẻ trở nên thụ động. Với những lần bị đánh, trẻ "học" được rằng, ai lớn và khoẻ hơn thì có thể phạt và đánh những người bé hơn và yếu hơn mình. Những hành vi bạo hành trẻ em sẽ tác động tiêu cực đến việc hình thành tính cách, tâm lý và tình cảm của trẻ. Nhiều em bị rối loạn trầm cảm.
 
Tác dụng ngược - Ảnh 1
 

Có em phản ứng bằng những hành vi tiêu cực như: Tự hại bản thân, bỏ nhà đi lang thang và dễ rơi vào các tệ nạn xã hội. Các hành vi bạo lực đối với trẻ không chỉ làm giảm sút uy tín, tình cảm và hình ảnh tốt đẹp của cha mẹ mà còn "góp phần" hình thành tính bạo lực ngay trong suy nghĩ và cách hành xử của trẻ khi trưởng thành.

Thực tế đã có trường hợp, những trận đòn ngày càng dày lên, mạnh lên, trong khi trẻ ngày càng lì, càng không suy chuyển. Những trận đòn đã có tác dụng ngược. Chưa kể có những trận đòn, trẻ không hiểu vì lý do gì, từ đó, trẻ dễ có thái độ không "tâm phục khẩu phục", tỏ ra oán giận, hờn trách.

 Có những đứa trẻ vì bị đánh quá nhiều nên khi phạm lỗi đã sợ hãi bỏ nhà ra đi khi tới những trận đòn của cha mẹ đang chờ đợi. Nguy hại hơn, đến một lúc nào đó, trẻ sẽ có tư tưởng rằng: Có làm sai cùng lắm cũng chịu một trận đòn là hết chuyện. Lúc đó, cha mẹ sẽ bất lực hoàn toàn trong việc giáo dục trẻ.

Do đó, thay vì đánh, mắng con, cha mẹ có thể áp dụng một số các biện pháp kỷ luật tích cực như giải thích và nói chuyện để giúp trẻ hiểu vấn đề. Ngoài ra, có thể cắt tiền quà vặt, không cho đi chơi, bắt trẻ làm việc nhà, và không mua đồ chơi cho trẻ.

 Các bậc cha mẹ cần có cái nhìn đúng đắn hơn, khoa học hơn trong vấn đề giáo dục con cái; cần trang bị kỹ năng phòng chống bạo hành trẻ em và phải thật sự là tấm gương sáng cho con cái noi theo, đấy cũng là một cách sống đúng.