Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tắc đường ngày cận Tết - Năm mới vẫn chuyện cũ

Ngọc Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình giao thông của Thủ đô vẫn có những diễn biến phức tạp. Nhiều tuyến đường thường xuyên ùn tắc dù không phải giờ cao điểm.

Đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở ùn tắc trong những ngày giáp tết. Ảnh: Nguyễn Hải
Đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở ùn tắc trong những ngày giáp tết. Ảnh: Nguyễn Hải

Nhu cầu tăng đột biến
Cứ đến thời điểm này hằng năm, Hà Nội lại chật vật với ùn tắc giao thông do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao đột biến. Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên địa bàn hiện có 234 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông dịp cuối năm. Khu vực cửa ngõ phía Nam là điểm nguy cơ ùn tắc cao nhất khi chiếm đến 70% phương tiện ra, vào Thủ đô.

Đặc biệt, mấy ngày trở lại đây, trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Vành đai 3 trên cao, dòng xe hướng vào trung tâm TP đã xảy ra ùn tắc nghiêm trọng. Tình trạng này bắt đầu ngay từ sáng sớm, ô tô nối đuôi nhau xếp thành hàng dài. Các cây cầu cửa ngõ như Thanh Trì, Chương Dương, Nhật Tân, Thăng Long và những tuyến đường có bến xe lớn như Giải Phóng, Phạm Hùng,... đều xuất hiện ùn tắc.

Tình trạng ùn tắc cũng xuất hiện ở khu vực nội đô. Người dân đổ xô đi mua sắm khiến lưu lượng phương tiện tăng cao, người tham gia giao thông phải nhích từng chút một. Thậm chí, việc đi bộ tại khu vực phố cổ cũng trở nên khó khăn hơn. TS Phan Lê Bình (giảng viên Đại học Việt - Nhật) chia sẻ: “Thời điểm cuối năm Âm lịch, các hoạt động giao dịch hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm, trang trí nhà cửa dịp Tết rất lớn. Cùng với đó, người dân Hà Nội về quê ăn Tết và người từ các tỉnh, thành khác đổ về Thủ đô khiến lưu lượng phương tiện tăng gấp nhiều lần so với ngày thường, hạ tầng giao thông không đủ để đáp ứng".

Vì số lượng hàng hóa mua sắm đặc biệt nhiều vào dịp Tết, người dân thường lựa chọn di chuyển bằng ô tô. Đây cũng là một trong những lý do tạo nên sự ùn tắc cục bộ tại nhiều tuyến đường của Thủ đô vào dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, nhiều xe chở hàng hóa, cây cối cồng kềnh trên đường, đồ phục vụ Tết bán ở vỉa hè, xe đỗ dưới lòng đường... khiến tình hình ùn tắc càng thêm nghiêm trọng. Hình ảnh ô tô, xe máy xếp hàng dài trên nhiều tuyến đường chính dù không phải giờ cao điểm đã trở nên quen thuộc trong những ngày giáp Tết. Giao thông hỗn loạn, nhiều xe máy còn hiện tượng chen lấn, đi lên vỉa hè để tiết kiệm thời gian,... đều gây mất an toàn giao thông. Chị Nguyễn Thị Hằng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Những ngày cận Tết, đường phố liên tục xảy ra ùn tắc đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của nhiều người. Bình thường những tuyến đường tôi đi chỉ mất 10 - 15 phút thì mấy ngày vừa qua có khi cả tiếng không đến nơi”.

Nâng cao ý thức mỗi người dân

Tắc đường luôn là câu chuyện của những đô thị lớn như Hà Nội, đặc biệt, trong dịp cận Tết Nguyên đán. Đây thật sự là nỗi khổ của người dân Thủ đô. Tuy nhiên để giảm bớt những khó khăn trong di chuyển thì ý thức tham gia giao thông của người dân là một trong những yếu tố quan trọng. Bên cạnh việc lưu lượng vượt quá kết cấu hạ tầng, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao, “đi điền vào chỗ trống” cũng là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc vẫn tồn tại kéo dài.

Vì thế, các lực lượng chức năng khi điều tiết giao thông đều mong muốn, người tham gia giao thông phải tuyệt đối tuân thủ theo hiệu lệnh của người điều khiển và đèn tín hiệu để tất cả đều được di chuyển thuận lợi nhất. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, ngoài việc tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác chấp hành giao thông cho người dân, cũng cần tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, để tạo thói quen đi lại cho mọi người.

Để tránh áp lực giao thông căng thẳng, nhiều người dân đã lựa chọn di chuyển bằng phương tiện công công cộng như tàu điện, xe buýt. Anh Nguyễn Tuấn Anh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Gần Tết ra đường chỗ nào cũng tắc nên tôi hạn chế đi lại bằng phương tiện cá nhân. Nếu có thể di chuyển bằng tàu điện là tốt nhất vì vừa nhanh, vừa không tắc. Đi xe buýt dù vẫn tắc nhưng mình cũng đỡ mệt mỏi hơn”. Lựa chọn thời điểm về quê nghỉ Tết phù hợp cũng là giải pháp để giảm bớt áp lực giao thông. Dù còn vài ngày nữa mới chính thức nghỉ Tết nhưng đã rất đông sinh viên, người lao động mang theo hành lý rời Thủ đô về quê. Nhiều người lao động lựa chọn về quê ăn Tết sớm vì sợ cảnh tắc đường, đi lại khó khăn.

Bạn Phan Linh Chi (Thái Bình) chia sẻ: “Lịch nghỉ Tết của trường bắt đầu sớm và kéo dài tận 3 tuần nên em tranh thủ về quê sớm để tránh bị ùn tắc quá lâu. Năm trước em về sát ngày nên đi 5, 6 tiếng mới đến nhà, rất mệt mỏi".

Trước nguy cơ ùn tắc đã trở thành quy luật mỗi dịp Tết, UBND TP, Sở GTVT, Công an TP Hà Nội đều đã đưa ra kế hoạch nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nhưng để đạt được hiệu quả như mong muốn không hề dễ dàng. Dù đã huy động mọi lực lượng để điều tiết giao thông thì việc kiểm soát hoạt động của hàng triệu phương tiện vẫn vô cùng khó khăn. Đại diện Đội CSGT số 6, Công an TP Hà Nội cho biết, trong những ngày giáp Tết, người dân có nhu cầu tham gia giao thông tăng cao, ùn tắc xuất hiện từ phố nhỏ đến đường lớn, đơn vị đã huy động 100% quân số để phân luồng tại các nút giao, điểm đen ùn tắc. Toàn lực lượng cố gắng đảm bảo cho người dân đi lại được an toàn, thuận lợi nhất.

Năm nay, TP Hà Nội đẩy mạnh thi công nhiều công trình giao thông trọng điểm, một số điểm phải rào chắn đường, hè phố để thi công... Từ đó tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân. Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã điều chỉnh tổ chức giao thông, tháo dỡ rào chắn, hoàn trả mặt đường tại khu vực Nguyễn Trãi để đảm bảo an toàn, phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân trong dịp Tết sau khi Gói thầu số 2 Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành thi công.

TS Phan Lê Bình nhận xét: "Tình trạng ùn ứ giao thông dịp giáp Tết là khó tránh khỏi, tuy nhiên nếu mỗi người dân đều nâng cao ý thức sẽ hạn chế được tình trạng tắc cứng hàng giờ đồng hồ, không thể dịch chuyển".

Sở GTVT Hà Nội vừa công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin, nội dung được người dân và đơn vị, tổ chức phản ánh về trật tự, an toàn giao thông, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024. Các số điện thoại gồm: 0932231683 (phụ trách số là Phó Giám đốc Sở GTVT Đào Việt Long); 0913590633 - 0243.8217922 (phụ trách số là Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Nhật Quang); 0972188666 (phụ trách số là ông Nguyễn Tuyển - Phòng Quản lý vận tải).