Tắc nghẽn lưu thông lúa gạo, doanh nghiệp khó chồng khó

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo, do đang bước vào chính vụ thu hoạch lúa Hè Thu 2021 đúng thời điểm 19 tỉnh, TP phía Nam áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN, người sản xuất, kinh doanh lúa gạo trong bối cảnh dịch Covid -19, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đang ráo riết vào cuộc với nhiều biện pháp cấp bách và lâu dài.

Lưu thông ách tắc

Việc áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, TP phía Nam đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa từ ruộng về nhà máy và từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu. Theo phản ánh của các thương nhân thu mua lúa gạo tại ĐBSCL, nhiều DN đang gặp khó khăn trong việc thu hoạch lúa tươi vụ Hè Thu tại ruộng, do thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động thời vụ. Trong khi các ghe vận chuyển lúa không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác, đặc biệt là giữa các địa phương.

Về khâu chế biến thóc hàng hóa, vụ Hè Thu thu hoạch rộ ngay thời điểm mưa nhiều nên lúa phải được sấy khô ngay. Tuy nhiên, việc vận chuyển lúa từ ruộng đến nhà máy cũng bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng ùn ứ lúa tươi chưa được xử lý, làm giảm chất lượng gạo. Các thương nhân thiếu hụt nguồn nguyên liệu chế biến gạo thành phẩm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết trước đó.

Đáng chú ý, khâu vận chuyển từ nhà máy chế biến đến các cảng xuất khẩu cũng trong cảnh khó khăn khi tại một số địa phương, thương lái, tài xế công, tài xế lái máy gặt đập liên hợp được yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, tuy nhiên giấy xác nhận này chỉ có hiệu lực trong vòng 72 giờ, không đủ thời gian để vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, TP khu vực ĐBSCL đi các cảng khu vực TP Hồ Chí Minh.

 Thương lái thu mua lúa vụ Hè thu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa 

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam, tình trạng phổ biến hiện nay là tồn kho thóc gạo của các thương nhân. Do quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa bị gián đoạn nên tồn kho chưa được giải phóng, dòng vốn cũng bị ách tắc theo và thương nhân không thể tiếp tục thu mua thóc gạo. Trong khi đó, do giá trị hàng hóa cao nên các thương nhân xuất khẩu gạo hầu hết đều sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, các chi phí phát sinh sau Chỉ thị 16 cũng thành một gánh nặng mới.

“Dù Ngân hàng Nhà nước đã có công văn đề nghị các ngân hàng thương mại và ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, TP khu vực ĐBSCL đảm bảo vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ thóc, gạo nhưng thực tế hiện nay, theo thương nhân phản ánh, các ngân hàng thương mại vẫn chưa triển khai thực hiện”, ông Đỗ Hà Nam cho hay.

Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 8/2021, ở khu vực ĐBSCL có khoảng 1.500ha lúa Hè Thu đến vụ thu hoạch, với sản lượng ước tính khoảng 7,8 triệu tấn. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, không bán được lúa tươi lại không thể trữ trong dân do điều kiện thời tiết đang mưa nhiều cùng với giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng mạnh trong thời gian qua là những nguyên nhân chính gây tâm lý lo lắng trong nông dân. Tình trạng này cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng nông dân sẽ bỏ ruộng hoặc chậm xuống giống lúa vụ 3, tác động xấu đến các vụ mùa sau và trên hết là đưa đến nguy cơ thiếu hụt lương thực lúc giáp hạt vụ Đông Xuân 2021 – 2022.

Mới đây, đại diện 4 tỉnh thành: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ cho biết sẽ phối hợp có văn bản chung để kiến nghị Thủ tướng, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn, cũng như có chính sách về gói tín dụng hỗ trợ DN thu mua lúa gạo. Bên cạnh đó, 4 địa phương này cũng thành lập tổ công tác liên ngành và thiết lập đường dây nóng để giải quyết kịp thời những vướng mắc, vừa đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng lúa gạo, vừa thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

Trước đó, để đảm bảo kịp thời thu mua lúa gạo hàng hóa cho nông dân, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT, Bộ Y tế và các bộ, ngành xem xét biện pháp cấp bách mở “luồng xanh” cho vận tải đường thủy; áp dụng biện pháp xét nghiệm Covid-19 đầu vào, sau đó giao cho thương nhân có kế hoạch tự quản lý đội ngũ lao động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật; xem xét ưu tiên và khẩn trương triển khai việc tiêm vaccine cho lao động bắt buộc phải tham gia trực tiếp chuỗi cung ứng lúa gạo (tài xế, tài công, người đi thu mua, nhân viên điều phối thị trường, xuất nhập khẩu…)

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam, trước mắt việc mua lúa tạm trữ trong dân để kích cầu, nâng giá cũng là giải pháp thiết thực. Tuy nhiên, thực tế triển khai đi thu mua sẽ rất khó khăn khi kiểm soát dịch bệnh đang thực hiện rất chặt. Do đó, giải pháp cấp bách hiện nay để tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo là cần tập trung giải quyết khâu vận chuyển, lưu thông

Đề cập giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc cho ngành lúa gạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình đề xuất, hiện tại, nhiều DN có khả năng mua dự trữ, do vậy giải pháp tốt nhất là nên tạo điều kiện cho DN thu mua. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính, chỉ đạo các ngân hàng thương mại nới hạn mức vay của DN.

Còn theo Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận, DN kiến nghị các địa phương sớm xây dựng “luồng xanh” cho ghe vận chuyển lúa; cho phép thương lái (đã được xét nghiệm) được di chuyển đến các địa phương khác nhau để thu mua mà không phải cách ly.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, ghi nhận những khó khăn, kiến nghị của các DN, hiệp hội, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tập trung tháo gỡ 3 khía cạnh vướng mắc hiện tại về sản xuất – lưu thông – xuất khẩu cho DN.

Cụ thể, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ GTVT làm việc với hệ thống cảng, các địa phương để tháo gỡ ách tắc trong khâu giao nhận hàng hóa, tránh ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu gạo của DN; tạo chính sách “luồng xanh” trong lưu thông lúa gạo đường thủy nội địa theo hai cung đường: Cánh đồng về nhà máy, nhà máy đến các cảng logistics. Đồng thời, yêu cầu các hãng tàu, các DN logistic phải công khai, minh bạch về giá cước vận chuyển container cũng như có sự điều chỉnh giá cước vận chuyển về mức hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Mặt khác, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan thống nhất việc áp dụng ưu tiên tiêm vaccine cho lao động tham gia chuỗi sản xuất và vận chuyển hàng, logistics ngành lúa gạo trên đường thủy, đường bộ. Đặc biệt, để tạo thuận lợi hơn nữa cho các DN trong việc tiếp cận nguồn vốn thu mua lúa cho nông dân, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đôn đốc các ngân hàng thương mại hỗ trợ tài chính cho DN như tăng mức hạn vay, kéo dài thời gian trả nợ, giảm lãi suất cho vay, giải ngân vốn nhanh cho DN.  

Các DN cần chủ động xây dựng quy trình “3 tại chỗ” phù hợp tình hình của từng đơn vị và từng địa phương. Riêng vấn đề xét nghiệm Covid-19, Bộ Công Thương đề xuất lập các điểm xét nghiệm Covid-19 tại chỗ để hỗ trợ tăng tốc độ lưu thông cho DN. Bên cạnh đó, DN cần tham khảo kinh nghiệm của các hệ thống siêu thị, DN bình ổn thị trường để chủ động trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc lưu thông phân phối hàng hóa trong nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên