“Tác phẩm trong đề thi nằm ngoài sách giáo khoa”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Việc đổi mới đánh giá môn Văn không thể diễn ra một cách đột ngột mà trên cơ sở thực tế tổ chức quá trình dạy học để có sự thay đổi cần thiết bước đầu và sẽ nâng dần yêu cầu trong những năm sau”- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo“Đổi mới, kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông”.

Thay đổi là quán triệt đúng hơn!

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, môn Ngữ văn có nhiều năng lực, tùy những hình thức khác nhau để có thể đánh giá năng lực phù hợp nhất. Hình thức thi viết mà chúng ta áp dụng nhằm đánh giá năng lực tiếp nhận văn bản, còn năng lực sản sinh văn bản chủ yếu là khả năng viết văn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh Internet
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh Internet
Thứ trưởng có ý kiến gì về việc ra đề thi môn Ngữ văn hiện nay?

Lâu nay chúng ta nói đề thi ra theo hướng kiểm tra năng lực cũng có tiến bộ bước đầu. Nhưng nhìn tổng quát lại, đề  môn Ngữ văn vẫn nặng về kiểm tra tra học sinh (HS) học được gì, đếm ý cho điểm, HS vẫn có thể học bài văn mẫu để làm bài thi môn Văn, chương trình dạy có tác phẩm nào thì thi kiểm tra đánh giá tác phẩm đó. Như vậy, kiểm tra học vẹt nhiều hơn là kiểm tra năng lực thật.

Bởi thế, chúng ta phải thay đổi. Trước hết cố gắng đánh giá được toàn diện nhất những năng lực cần đánh giá. Thứ hai là có thể trong năng lực đọc hiểu không chỉ kiểm tra tác phẩm đã học mà có thể dùng những tác phẩm khác có kết cấu nội dung, mức độ khó dễ tương đương với tác phẩm đã học.

Vậy đề thi môn Ngữ văn sẽ được thiết kế như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Chúng ta thiết kế những đề mà HS có thể chủ động vận dụng những hiểu biết, tình cảm, năng lực của các em để thể hiện. Như vậy cách xác định trong làm bài có bao nhiêu ý cần phải thay đổi. Quan trọng là xác định yêu cầu kỹ năng HS đạt được ở mức độ nào, cách thức giải quyết vấn đề của HS khi làm bài văn để cho điểm. Như vậy, ta thay đổi cách hiểu đơn giản “ma trận” đề thi môn Văn giống như các môn khác sang “ma trận” đặc trưng riêng của môn học này. Từ đó đề “mở” và đáp án cũng phải “mở” thật sự có ý nghĩa.  Làm được điều này, yêu cầu thay đổi cả quá trình dạy và học cũng như cách thức kiểm tra đánh giá.

Gần đây, có nhiều ý kiến khác nhau về việc thay đổi cấu trúc đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn. Thứ trưởng có ý kiến gì và định hướng của Bộ GD&ĐT đối với đề thi các môn khác?

Thật ra không có thay mà là quán triệt đúng hơn mục tiêu dạy học, quán triệt sát sao hơn những điều mà Bộ đã hướng dẫn. Kiểm tra đọc hiểu là một yêu cầu bắt buộc của môn Ngữ văn, thực hiện từ tiểu học đến suốt trung học. Việc dạy năng lực đọc hiểu chiếm tỷ trọng rất lớn trong thời gian cũng như kết cấu nội dung của bộ môn Ngữ văn. 

“Ma trận” vận dụng kiến thức

Thưa Thứ trưởng, giáo viên nghĩ rằng, đề bám chương trình có nghĩa là sẽ không thoát khỏi những tác phẩm được giảng dạy trong nhà trường?

Chính điều đó là hạn chế, là hiểu không đúng. Chương trình yêu cầu HS đạt được năng lực và kỹ năng nào. Chương trình không có nghĩa là học tác phẩm nào mà thi tác phẩm đó, mà thông qua tác phẩm đó, năng lực đọc hiểu, cảm thụ văn học của học sinh đến đâu. Chúng ta phải kiểm tra cái đó, chứ không phải là xem HS nhớ tác phẩm ấy đến đâu. 

Thế thì Bộ nên có chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện?

Bộ đã chỉ đạo thực hiện rồi nhưng có một số người cố tình không hiểu! 

Với việc thời gian môn thi Ngữ văn rút ngắn xuống 120 phút, vậy đề thi có sự thay đổi nào lớn, thưa Thứ trưởng?

Thay đổi là quán triệt mục tiêu dạy học. Như tôi đã nói, điều này đã được quán triệt từ nhiều năm nay và trong các công văn hướng dẫn nhiệm vụ năm học và trong quá trình chỉ đạo cũng thường xuyên nói đến việc này.

Do thời gian làm bài môn Ngữ văn giảm nên dung lượng cho HS làm bài sẽ phải phù hợp. Không chỉ môn này mà các môn khác khi có sự thay đổi về thời gian thì cũng đảm bảo yêu cầu đó.

Cấu trúc đề thi môn Văn có sự khác biệt gì so với mọi năm?

Không có thay đổi cơ bản. Chỉ quán triệt yêu cầu mục tiêu đúng hơn thôi. Ma trận đề thi sẽ yêu cầu phần vận dụng kiến thức nhiều hơn. 

Trong những năm tới, có những môn nào giảm bớt thời gian làm bài thi, thưa Thứ trưởng?

Thay đổi thời gian thế nào phụ thuộc vào một số yếu tố. Cụ thể là đến mức độ nào thì mình có thể đánh giá được cái mình muốn. Tôi cho rằng không cần thiết phải nhiều thời gian hơn nhưng chắc là không thể ít thời giờ quá để đánh giá khối lượng cũng như năng lực HS. Việc này cần có cân nhắc cụ thể. 

Có một số số cấu trúc đề thi tốt nghiệp môn Văn đang được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng có phải là kênh tham khảo hướng ra đề thi của Bộ GD&ĐT?

Đúng thế, đó là kênh tham khảo của tất cả những người dạy và học.

Vậy, đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ môn Văn khối C, D thay đổi theo hướng nào, thưa Thứ trưởng?

Tác phẩm trong đề thi có thể nằm ngoài SGK hiện hành nhưng không vượt quá yêu cầu của năng lực mà mình muốn  HS đạt được. 

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần