Vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB) dường như đã trở thành căn bệnh mãn tính của rất nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng. Từ nhỏ đến lớn, từ dự án chục tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng, đâu đâu cũng rơi vào tình trạng chậm tiến độ, kéo dài thi công, gây lãng phí, đội vốn do không có mặt bằng sạch. Không chỉ tốn kém thêm rất nhiều tiền, hệ luỵ từ các dự án chậm tiến độ, vướng mắc GPMB còn gây ra ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, mất niềm tin nơi nhà đầu tư, nhà thầu..., những thiệt hại mà không thể tính toán đủ đầy, chi tiết.
Bởi vậy, việc Bộ KH&ĐT vừa có Tờ trình lên Chính phủ, đề xuất tách riêng GPMB ra thành các dự án độc lập nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ các nhà đầu tư và cả địa phương. Có thể nói, nếu quyết sách này được thông qua và áp dụng, chính là một khoản đầu tư chính sách cực kỳ có lời cho cả Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Trên thực tế, nhiều dự án hạ tầng thời gian thi công chỉ 1 - 2 năm nhưng GPMB lại kéo dài có khi tới 10, 20 năm. Tách GPMB ra khỏi các dự án để triển khai trước, dọn sạch mặt bằng theo quy hoạch, rồi bàn giao cho nhà đầu tư có thể xoá bỏ tình trạng chậm tiến độ dự án nghìn tỷ chỉ vì 1, 2 căn nhà vài chục mét vuông. Nhà đầu tư thi công một mạch, công trình được đưa vào khai thác sử dụng sớm, có hiệu quả sẽ mang lại lợi ích trước tiên cho người dân. Đối với các địa phương, đây còn là động lực để hoàn thành tốt công tác GPMB; làm càng nhanh càng sớm có công trình để phát triển kinh tế - xã hội.
Còn đối với người dân trong diện GPMB, sẽ hạn chế tâm lý hoang mang, nghe tin mình phải giao đất, giao nhà mà chưa biết sẽ đi đâu, ở đâu, có phù hợp, thuận lợi hay không. Mặt khác, việc tách GPMB, giao trọn vẹn trách nhiệm cho các địa phương còn hạn chế tối đa tình trạng cố tình chây ì, đòi hỏi thêm bớt, làm khó nhà đầu tư.
Nhiều ý kiến còn cho rằng, chủ trương tách GPMB ra thành các dự án độc lập để không ảnh hưởng đến các dự án hạ tầng lẽ ra phải được xem xét, thực hiện từ lâu. Như vậy có thể tránh được thiệt hại, lãng phí hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách và nhà đầu tư. Hơn nữa còn tạo nên những mục tiêu hấp dẫn nguồn vốn xã hội hoá, xoá bỏ tâm lý e dè của các nhà đầu tư, đặc biệt là khu vực ngoài Nhà nước.
Tuy nhiên, để khoản "đầu tư chính sách" này phát huy hiệu quả tối đa và ngay lập tức, vừa cần có một hành lang pháp lý chặt chẽ, vừa phải có các cơ chế linh hoạt, tạo điều kiện cho địa phương thực hiện thuận lợi. Việc sử dụng ngân sách địa phương cho công tác GPMB cũng là một điều kiện quan trọng để chính sách trở nên khả thi. Tin rằng, ngay khi chủ trương tách riêng GPMB được áp dụng, một luồng gió mới sẽ thổi mạnh vào lĩnh vực đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, đô thị, đặc biệt là giao thông. Tình cảnh công trường thành lô cốt, chôn chân hàng chục năm do vướng mắc vài chục, vài trăm mét vuông sẽ sớm chấm dứt; "bóng ma" đội vốn, thua lỗ cũng sẽ thôi ám ảnh các nhà đầu tư và cả ngân sách quốc gia.