Nhiều chuyên gia cho rằng, tách riêng GPMB và tái định cư cho người dân trong phạm vi thực hiện các dự án chính là quyết sách quan trọng nhằm tháo gỡ triệt để khó khăn này.
Từ mắc đến tắcThông tin từ Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, hiện đơn vị này đang có vài chục dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai được do vướng mắc GPMB, trong đó có những dự án lớn, cấp bách như Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - QL1; đường nối Nguyễn Xiển - Xa La… Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố - chủ đầu tư dự án Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục cũng gặp khó khăn tương tự. Nhiều năm qua dù rất nỗ lực nhưng đơn vị vẫn chưa thể triển khai thi công đoạn tuyến cuối cùng nhằm khép kín tuyến vành đai xuyên tâm thành phố.Có dự án còn chậm đến hai thập kỷ như đường Nguyễn Hữu Thọ, do vướng GPMB một số hộ dân đoạn tiếp giáp đường Giải Phóng, buộc phải ngừng thi công, tạo nên nút cổ chai gây ra muôn vàn khó khăn cho lưu thông hơn 20 năm qua. Hoặc có dự án, do không thể chờ đợi đã phải điều chỉnh cả thiết kế để đi tránh vị trí vướng mắc mặt bằng, như công trình cải tạo mở rộng đường Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân) đã phải nắn cong tuyến cống, cáp ngầm đi tránh 3 hộ dân tại các số nhà: 71, 73, 75 nhằm đẩy nhanh tiến độ sau hơn một năm chững lại.
Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục vẫn chưa được triển khai thi công trong nhiều năm qua. Ảnh: Thanh Hải |
Hay trường hợp như dự án đường nối Nguyễn Xiển - Xa La đã 7 năm vẫn chưa hoàn thành do vướng mắc GPMB. Nhưng nguyên nhân chính khiến 98 hộ dân trong phạm vi dự án vẫn chưa thể kiểm đếm, lên phương án GPMB là do khu tái định cư (rộng 24ha) chưa hoàn thiện hạ tầng. Thực tế đó cho thấy, vướng GPMB đang là một trong những khó khăn lớn nhất, là thách thức thực sự đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông của Hà Nội. Lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội chia sẻ: “Có dự án, thời gian thi công chỉ khoảng trên dưới một năm, nhưng do vướng mắc GPMB mà kéo dài gấp 5, gấp 10, gây thiệt hại về nhiều mặt cho cả chủ đầu tư, nhà thầu thi công lẫn người dân”. Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan phân tích, khi một dự án chậm tiến độ, nhất là những dự án cấp bách, có tầm ảnh hưởng đến hạ tầng của cả khu vực và TP như Vành đai 2,5; Vành đai 1…, thiệt thòi nhất chính là người dân. “Bởi lẽ, trong khi áp lực giao thông tăng từng ngày, hạ tầng lại trầy trật mất nhiều năm để mở rộng thêm từng chút. Suốt quá trình chờ đợi các dự án thành hình, người dân phải chấp nhận cảnh ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Các hộ trong diện GPMB sống trong cảnh bấp bênh, bất ổn” - chuyên gia giao thông Đỗ Cao Phan nói.Không chỉ gây khó khăn cho việc mở rộng, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, vướng mắc GPMB còn khiến nhiều dự án giao thông đội vốn “khủng” do trượt giá nguyên vật liệu, tăng giá đất làm tăng mức bồi thường, hỗ trợ tái định cư…
Đặc biệt, một số dự án có nhà thầu nước ngoài như tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội còn có nguy cơ bị phạt theo luật quốc tế hàng trăm tỷ đồng do không bàn giao mặt bằng đúng thời hạn cam kết.Đảm bảo tiến độ, tránh lãng phíNhiều chuyên gia cho rằng, biện pháp hiệu quả nhất để gỡ khó trong GPMB cho các dự án giao thông là tách riêng công tác GPMB, tái định cư ra khỏi các dự án. Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, rất cần thiết phải tách GPMB ra khỏi quá trình thực hiện các dự án giao thông.
“Nói đơn giản là làm sạch mặt bằng rồi mới giao các nhà đầu tư triển khai thi công, xây dựng. Như vậy sẽ không còn tình trạng dự án đắp chiếu, dở dang, nhếch nhác, vừa tránh thiệt hại cho nhà đầu tư, vừa giảm thiểu ảnh hưởng đến giao thông, môi trường sống trong đô thị” - thạc sĩ Phan Trường Thành chia sẻ.Mặt khác, hiện nay công tác GPMB của nhiều dự án bị kéo dài do nguyên nhân khi duyệt dự án chưa xác định được quy mô, vị trí các khu tái định cư. Cơ quan chức năng cần có cơ chế chặt chẽ, gắn liền công tác GPMB với bố trí tái định cư; giao cho các địa phương chịu trách nhiệm về GPMB đồng bộ với việc bố trí tái định cư. Trong trường hợp cần thiết, có thể đề xuất chính sách cơ chế đặc thù riêng đối với công tác GPMB, bố trí tái định cư nhằm tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.Nhiều ý kiến cho rằng, càng các dự án lớn, phức tạp lại càng cần tách riêng, thực hiện trước công tác GPMB và bố trí tái định cư cho người dân. Ví dụ như với dự án Vành đai 4 của Vùng Thủ đô, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho tiến hành GPMB một lần và ngay tức khắc đối với dự án Vành đai 4 để tiết kiệm chi phí. Quan trọng hơn nữa là có mặt bằng sạch kêu gọi nhà đầu tư mới thuận lợi.Thạc sĩ Đỗ Cao Phan chia sẻ, lâu nay, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác vẫn đưa cả khâu GPMB vào quy trình đầu tư, xây dựng, khiến tiến độ các dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hầu hết là chậm, muộn, vướng mắc. “Nhược điểm này cần được khắc phục ngay, tách rời GPMB để đảm bảo tiến độ, tránh lãng phí cho các dự án” - thạc sĩ Đỗ Cao Phan nói.Một số chuyên gia còn cho rằng, không ít người dân, khi biết nhà, đất của mình nằm trong diện GPMB, có ảnh hưởng quan trọng đối với các dự án, lại nảy sinh tâm lý đòi thêm, đòi hơn mức hỗ trợ, bồi thường so với quy định của Nhà nước. Nếu tách GPMB ra, sẽ hạn chế được tối đa hiện tượng này, tránh đẩy cả địa phương, chủ đầu tư lẫn người dân vào những tranh cãi nhiều năm không dứt, hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1388/QĐ-TTg, thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về việc tách GPMB, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với các địa phương và những nhà đầu tư. Nếu có thể sớm hoàn thiện, áp dụng các quy định tách riêng khâu GPMB, tất cả các dự án đầu tư nói chung và dự án giao thông nói riêng sẽ được cởi trói, góp phần giải quyết triệt để tình trạng chậm, muộn, dở dang, lãng phí đã kéo dài nhiều năm nay.
Theo Quyết định số 1388/QĐ-TTg, một trong những nhiệm vụ của Tổ công tác là tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc xây dựng Đề án thí điểm về việc tách GPMB, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, rà soát, tổng hợp các căn cứ, luận cứ, làm rõ sự cần thiết, đánh giá tác động chính sách; kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến việc tách GPMB, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư… |