Taekwondo Việt Nam "đãi cát tìm vàng" từ các giải đấu trẻ

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những năm qua, bộ môn Taekwondo Việt Nam đã và đang nhận được sự quan tâm, đầu tư tập trung vào các giải trẻ. Đây là tiền đề để bộ môn tìm ra những nhân tố mới, phục vụ cho kế hoạch phát triển lâu dài…

Phát triển từ các giải trẻ

Taekwondo là môn võ thể thao có xuất xứ từ Hàn Quốc, đã du nhập vào Việt Nam hơn 60 năm nay và được quốc tế hóa sâu rộng. Bộ môn này được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của các Đại hội thể thao quốc tế như Olympic (từ năm 2000), ASIAD, SEA Games. Tại Việt Nam, bộ môn Taekwondo đã phát triển rất mạnh tại nhiều tỉnh, thành. Taekwondo liên tục đem lại nhiều huy chương tại các kỳ Đại hội thể thao quốc tế cho đoàn thể thao Việt Nam. Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các giải đấu của Teakwondo đã trở lại.

Taekwondo Việt Nam thi đấu ấn tượng tại SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà. Ảnh: Lại Tấn.
Taekwondo Việt Nam thi đấu ấn tượng tại SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà. Ảnh: Lại Tấn.

Diễn ra từ ngày 7 đến 14/7 tại TP Hồ Chí Minh, Giải vô địch Taekwondo các lứa trẻ quốc gia 2022 quy tụ hơn 1.000 HLV, VĐV, cán bộ đến từ 43 tỉnh, TP, ngành trên toàn quốc tranh tài 41 bộ huy chương. Các VĐV đã thi đấu 3 lứa tuổi: Từ 12-14; từ 15-17 và từ 18-20. Trong đó, nội dung thi đấu của lứa tuổi 12-14 đã được tổ chức thi đấu trở lại, sau nhiều năm không có trong chương trình thi đấu và các lứa tuổi 15-17 và 18-20 sẽ sử dụng giáp điện tử.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt Nam Vũ Xuân Thành, từ giải đấu Ban Tổ chức cũng đã phát hiện một số gương mặt VĐV trẻ xuất sắc như: Trần Trịnh Trọng (Hà Nội), Đào Thanh Phong (TP Hồ Chí Minh), Phạm Ngọc Châm (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Loan (Gia Lai), Huỳnh Diệp Uyên Trang (Tiền Giang), Nguyễn Như Ý (Vĩnh Long), Ngô Trần Nguyên Đại (Đà Nẵng)…

“Các VĐV ở lứa tuổi 15-17 đang trong quá trình tích lũy kinh nghiệm, khẳng định mình. Đây sẽ là lứa VĐV kế cận cho đội tuyển Taekwondo quốc gia trong tương lai. Nếu Việt Nam có thêm nhiều giải Taekwondo được tổ chức chuyên nghiệp, chất lượng chuyên môn cao, phong trào tập luyện Taekwondo sẽ được lan tỏa rộng rãi, tăng cơ hội phát hiện thêm tài năng trẻ cho các cấp độ đội tuyển Taekwondo Việt Nam" - ông Vũ Xuân Thành cho biết.

Teakwondo Việt Nam cần hướng đến đấu trường ASIAD và Olympic trong những năm tới. Ảnh: Như Đạt.
Teakwondo Việt Nam cần hướng đến đấu trường ASIAD và Olympic trong những năm tới. Ảnh: Như Đạt.

Việc các giải đấu đều mở rộng lứa tuổi sẽ tăng cơ hội thi đấu cọ xát cho các VĐV trẻ, cũng là thời điểm giúp  các đơn vị cũng có cơ hội đánh giá lại chất lượng đào tạo của đơn vị. Cùng với đó, đây là cơ hội để đội tuyển Teakwondo Việt Nam tìm ra các tài năng trẻ cho các cấp độ đội tuyển quốc gia tham dự các giải đấu quốc tế, trong đó có Giải vô địch Taekwondo các lứa tuổi trẻ thế giới năm nay sẽ tổ chức tại TP Sofia (Bulgaria) diễn ra từ ngày 28 tới 31/7,  sau đó cùng địa điểm sẽ tổ chức nội dung vô địch trẻ từ ngày 2 tới 7/8. Dự kiến, các quốc gia đối với giải nhóm tuổi trẻ và vô địch trẻ thế giới (dành cho đối kháng) phải hoàn tất trong ngày 25/7.

Hướng tới mục tiêu lâu dài

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Teakwondo Việt Nam vẫn cố gắng duy trì thành tích, trong đó có thành công ở Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) diễn ra trên sân nhà. Cụ thể, Teakwondo Việt Nam đã giành 9 HCV, 5 HCB và 3 HCĐ để giành vị trí nhất toàn đoàn.

Võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền (xanh) thi đấu thành công tại SEA Games 31. Ảnh: Như Đạt.
Võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền (xanh) thi đấu thành công tại SEA Games 31. Ảnh: Như Đạt.

Trong quá khứ, Taekwondo Việt Nam đã tạo nên “địa chấn” với tấm HCB của Trần Hiếu Ngân tại Olympic Sydney 2000. Nhưng sau một thời gian dài Taekwondo Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và gần như vắng bóng ở các đầu trường lớn. Thành tích đáng chú ý nhất của Taekwondo Việt Nam ở đấu trường quốc tế trong năm vừa qua thuộc về VĐV Trương Thị Kim Tuyền - võ sĩ giành vé tranh tài tại Olympic Tokyo 2020, đưa Việt Nam trở lại đấu trường lớn nhất thế giới sau gần 10 năm vắng bóng.

“Sau Olympic 2000, số lượng quốc gia có phong trào môn võ này tăng từ 89 lên 201 nước, trong đó có những quốc gia châu Á phát triển rất mạnh như Uzbekistan, Iran, Thái Lan... Số lượng quốc gia đầu tư vào Taekwondo tăng mạnh khiến sự cạnh tranh tại môn võ này ngày càng khốc liệt. Hiện Taekwondo Việt Nam đã có kế hoạch để hướng tới mục tiêu xa hơn. BHL đội tuyển Taekwondo Việt Nam sẽ sàng lọc lại, tuyển chọn các VĐV xuất sắc nhất, nhất là VĐV nữ tại các hạng cân nhỏ, hướng tới đầu tư lâu dài” - Tổng Thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt Nam Vũ Xuân Thành nhấn mạnh.

Một thực tế có thể thấy, phong trào Taekwondo được mở rộng và phát triển ở nhiều địa phương, trong đó tập trung phát triển ở học đường. Tại Hà Nội, các đơn vị giàu truyền thống, có sự đầu tư mạnh mẽ như Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Cầu Giấy đều khẳng định vị thế. Bên cạnh đó, không thể không kể đến một vài gương mặt đặc biệt tài năng của các huyện Phúc Thọ, Mỹ Đức. Sự phát triển từ các quận huyện, phong trào quần chúng đến học đường sẽ có nhiều VĐV được phát hiện, bổ sung cho đội tuyển quốc gia hướng tới đấu trường ASIAD và Olympic trong những năm tới.

 

“Cơ hội thi đấu của VĐV trẻ trong một năm không nhiều. Nếu có thêm nhiều giải đấu để các VĐV trẻ trong cả nước góp mặt tranh tài, chắc chắn sẽ phát hiện nhiều vận động viên có tố chất cho đội tuyển Hà Nội cũng như đội tuyển quốc gia” - Trưởng bộ môn Taekwondo Hà Nội Hồ Anh Tuấn.