Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Taekwondo Việt Nam đánh mất vị thế ở đấu trường quốc tế

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở các kỳ Đại hội Thể thao châu Á (Asiad) và Thế vận hội (Olympic), thể thao Việt Nam từng đặt kỳ vọng vào các môn võ, trong đó có taekwondo. Tuy nhiên, những năm gần đây, taekwondo Việt Nam không thể hiện được vị trí và vắng mặt ở 2 kỳ Olympic gần nhất.

Thành tích trượt dốc

Các môn võ vẫn là "mỏ vàng" của thể thao Việt Nam ở các kỳ SEA Games. Cụ thể, tại SEA Games năm 2022 trên sân nhà, các võ sĩ Việt Nam giành 68 HCV trong các môn võ (chưa kể đấu kiếm và vật). Trong đó, nhiều nhất là wushu với 10 HCV, judo và taekwondo đứng thứ 2 khi đều giành 9 HCV.

Đến năm 2023, các võ sĩ Việt Nam mang về cho thể thao Việt Nam 55 HCV, đứng đầu là judo với 8 HCV. Trong khi đó, chỉ có 3 môn xuất hiện trong chương trình thi đấu của Olympic gồm: taekwondo, boxing và judo.

Dù được kỳ vọng lớn nhưng taekwondo đang “trượt dốc không phanh” ở các đầu trường Asiad và Olympic.

Taekwondo Việt Nam luôn thành công tại SEA Games nhưng thất bại ở Olympic. Ảnh: Như Đạt
Taekwondo Việt Nam luôn thành công tại SEA Games nhưng thất bại ở Olympic. Ảnh: Như Đạt

Nhìn lại lịch sử, sau tấm HCB của võ sĩ Trần Hiếu Ngân ở Olympic Sydney 2000 (Australia), taekwondo Việt Nam đã luôn thất thế qua các kỳ Olympic. Cụ thể, taekwondo Việt Nam có 2 suất dự Olympic Athens 2004 (Hy Lạp), 3 suất dự Olympic Bắc Kinh 2008 (Trung Quốc), 2 suất dự Olympic London 2012 (Anh) và 1 suất dự Olympic Tokyo 2020 (Nhật Bản). Còn ở 2 kỳ Olympic Rio 2016 (Brazil) và Olympic Paris 2024 (Pháp), taekwondo Việt Nam vắng mặt.

Tại Asiad, taekwondo cũng có một quá khứ huy hoàng với thành tích ấn tượng. Cụ thể, Trần Quang Hạ từng giành HCV hạng cân 58kg nam tại Asiad 1994 ở Hiroshima (Nhật Bản). Đây là HCV đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử các kỳ Asiad. Đến năm 1998, Hồ Nhất Thống là người thay thế Trần Quang Hạ giành HCV hạng cân 58kg nam tại Asiad Bangkok (Thái Lan). Sau Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống và Trần Hiếu Ngân là Nguyễn Văn Hùng, người giành HCB Asiad Busan (Hàn Quốc) 2002 và HCĐ Asiad Bangkok 1998.

Gần nhất là Asiad 19 tổ chức vào năm 2023, taekwondo Việt Nam giành 3 HCĐ. Còn tại Giải taekwondo vô địch châu Á 2024 diễn ra hồi tháng 5/2024 tại Đà Nẵng, võ sĩ Bạc Thị Khiêm cũng giành HCV nội dung đối kháng và Trương Thị Kim Tuyền giành HCĐ.

Nhìn vào thành tích của taekwondo Việt Nam, không thể phủ nhận thành tích trong thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng. Tấm HCV tại Asiad của taekwondo Việt Nam cũng cách đây 26 năm và 24 năm là mốc thời gian giành được huy chương tại Olympic, nhưng đó chỉ là HCB.

Theo Phó trưởng Phòng Thể thao thành tích cao 1 (Cục Thể dục thể thao) Vũ Xuân Thành, thời điểm năm 2000, trên thế giới mới chỉ có 89 quốc gia đầu tư môn taekwondo, nhưng hiện tại đã có tới hơn 200 quốc gia phát triển môn thể thao này. Bởi vậy, sự cạnh tranh của taekwondo trên đấu trường châu lục và thế giới vô cùng khốc liệt.

Sai định hướng

Trước sự tụt lùi của taekwondo Việt Nam, người hâm mộ không khỏi hụt hẫng, thậm chí đặt ra câu hỏi hoài nghi về định hướng khi nhìn sang thành tích ấn tượng của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Các nước như Thái Lan, Philippines, Campuchia đã đầu tư lớn và có tiến bộ vượt bậc trong những năm qua. Đơn cử, Thái Lan đã mời chuyên gia người Hàn Quốc đến dẫn dắt đội tuyển taewondo cách đây hơn 20 năm, đồng thời đề ra định hướng phát triển môn thể thao này trên toàn quốc để chọn lọc ra tài năng tiêu biểu gửi đi tập huấn, thi đấu quốc tế. Những định hướng cụ thể, rõ ràng đã mang đến thành quả cho Thái Lan khi võ sĩ Panipak Wongpattanakit giành HCĐ Olympic năm 2016, 2 HCV Olympic Tokyo 2020 và Paris 2024.

Taekwondo từ môn được đầu tư trọng điểm ở nhóm 1 đã bị đẩy xuống nhóm 2 tại Việt Nam do kinh phí eo hẹp. Ảnh: Như Đạt
Taekwondo từ môn được đầu tư trọng điểm ở nhóm 1 đã bị đẩy xuống nhóm 2 tại Việt Nam do kinh phí eo hẹp. Ảnh: Như Đạt

Theo nhận định thực tế của các chuyên gia, những môn võ hạng cân nhẹ là nội dung thi đấu rất phù hợp với thể trạng của người Đông Nam Á nói chung, của người Việt Nam nói riêng. Các quốc gia khác ở Đông Nam Á đã nhìn ra điều này, trong khi Việt Nam đang chệch hướng. Taekwondo từ môn được đầu tư trọng điểm ở nhóm 1 đã bị đẩy xuống nhóm 2 tại Việt Nam khi kinh phí eo hẹp.

Ông Vũ Xuân Thành cho biết thêm, mỗi năm, taekwondo Việt Nam chỉ nhận được khoảng 2,5 tỷ đồng dành cho các hoạt động tập huấn và thi đấu quốc tế, trong khi con số này với taekwondo Thái Lan là 65 tỷ đồng. Với mức đầu tư này, taekwondo Việt Nam chỉ có thể đi tập huấn và thi đấu quốc tế khoảng 2 - 3 lần/năm. Điều này đồng nghĩa để taekwondo Việt Nam phát triển ổn định và có thể giành huy chương tại Olympic là rất khó khăn.

Thành tích tại các giải quốc tế đi xuống, khó giữ được vị thế là thực trạng báo động với taekwondo nói riêng và các môn võ nói chung. Đây là lúc để những nhà quản lý thể thao nước ta cùng nhìn nhận lại cách đầu tư, tìm giải pháp phù hợp để taekwondo Việt Nam lấy lại vị thế ở đấu trường quốc tế.

 

Cục Thể dục thể thao và Liên đoàn Taekwondo Việt Nam sẽ bàn về giải pháp chuyên môn cho taekwondo Việt Nam, qua đó tìm ra điểm yếu để cùng khắc phục, đưa thành tích bộ môn tiến bộ hơn tại đấu trường quốc tế. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa và nâng cấp chất lượng chuyên môn hệ thống các giải taekwondo trên toàn quốc, phát hiện thêm nhiều võ sĩ trẻ tài năng, đưa đi tập huấn, thi đấu tại các sân chơi quốc tế giúp nâng cao trình độ. Từ đó mới mong những vận động viên này hoàn thiện chuyên môn, vươn tầm tranh tài ở sân chơi Asiad và Olympic.

Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Nguyễn Hồng Minh