Tagom và hành trình biến rác thải thành tài nguyên tái sinh
Kinhtedothi - Các thành viên của Tagom - dự án vì môi trường vẫn ngày ngày lặng thầm “cứu hộ” rác thải, phân loại và biến rác thành tài nguyên tái sinh.

Chị Thuỳ Linh - đồng sáng lập Tagom
Hành trình xây dựng trạm thu gom rác
Thành lập tháng 6/2022, Tagom ra đời từ trăn trở cá nhân của chị Nguyễn Thị Thuỳ Linh, đồng sáng lập dự án. Chị Linh chia sẻ, tại thời điểm đó, chị nhận thấy nhiều tổ chức và câu lạc bộ đã tham gia vào công tác thu gom rác, nhưng hầu như chỉ tập trung vào một vài loại rác phổ biến, trong khi các nhóm rác khó tái chế vẫn chưa được xử lý triệt để.
Các hoạt động thu gom phân loại rác cũng chưa được tổ chức thường xuyên, cộng thêm việc phân loại rác tại nguồn vẫn còn quá mới mẻ với người dân, dẫn đến sự lúng túng và bất tiện trong thực hành.
Với mong muốn xây dựng một trạm phân loại rác bài bản, Tagom đã bắt đầu chỉ với 3 - 4 thành viên chủ chốt, một văn phòng kiêm trạm phân loại nhỏ vỏn vẹn 100m² trên phố Nguyễn An Ninh (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội).
Không chỉ gặp vấn đề về cơ sở vật chất, Tagom cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức bộ máy, kêu gọi tình nguyện viên, tìm nhà máy tái chế. Nhờ sự kiên trì và sự cầu thị, Tagom dần xây dựng được lòng tin với các đối tác tái chế, từ đó mở rộng thêm trạm phân loại, quy trình vận chuyển và hệ thống xử lý sau thu gom.
Sau này, dự án liên kết với các trung tâm thương mại để tổ chức sự kiện phân loại rác, đồng thời tuyên truyền, truyền thông về các hoạt động của Tagom trên mạng xã hội. Từ đó Tagom được mọi người biết tới nhiều hơn và nhận được sự tham gia đông đảo của cộng đồng.
Bạn Minh Tuệ, một tình nguyện viên của Tagom chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi gặp khó khăn khi phân biệt sự khác nhau giữa các loại rác. Tuy nhiên ở Tagom có các chỉ dẫn rất rõ ràng và kỹ lưỡng về rác thải và cách phân loại chúng. Điều đó giúp tôi dễ dàng hơn trong việc nhận biết, phân loại đúng rác thải. Từ ngày bắt đầu thói quen phân loại rác, tôi thấy hành động của mình tuy nhỏ nhưng cũng góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn”.

Chị Thuỳ Linh cùng các tình nguyện viên phân loại, tập kết rác thu gom
Tagom thiết lập một quy trình rõ ràng, bắt đầu từ hướng dẫn người dân cách phân loại – vệ sinh rác tại nhà, sau đó mang tới trạm. Tại đây, tình nguyện viên sẽ hỗ trợ và hướng dẫn phân loại kỹ hơn, trước khi chuyển rác về kho tập kết và cuối cùng đưa tới các nhà máy tái chế.
“Tagom rất tự hào khi được làm việc với nhiều nhà máy tái chế tại Việt Nam và có thể xử lý gần như toàn bộ các nhóm rác khó phân huỷ trong đời sống thường nhật” - chị Thuỳ Linh nói.
Sức mạnh lan tỏa từ cộng đồng
Điều đáng quý là Tagom luôn nhận được sự ủng hộ và đóng góp tích cực từ cộng đồng. Dù hoạt động chủ yếu tại Hà Nội, nhưng dự án lại nhận được sự ủng hộ từ khắp mọi miền đất nước.
Nhiều người dân ở miền Nam, miền Trung sẵn sàng gửi rác ra Bắc để Tagom đưa tới các nhà máy tái chế, dù chi phí vận chuyển không nhỏ. Đồng thời, các sự kiện lan tỏa lối sống xanh của Tagom như thu gom rác, đổi đồ cũ lấy đồ mới, workshop tái chế,… cũng nhận được sự tham gia và quan tâm, hưởng ứng của đông đảo cộng đồng. Điều này cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của dự án khi chạm được vào ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân với môi trường.
Sau 3 năm hoạt động bền bỉ, từ một trạm nhỏ khiêm tốn, Tagom trở thành mạng lưới phân loại rác đáng tin cậy giữa lòng Thủ đô. Hiện tại, dự án đã xây dựng được 5 điểm thu gom rác cộng đồng, cùng 3 kho tập kết với tổng diện tích lên đến 1.200m² - một bước tiến quan trọng trong hành trình xử lý rác một cách bài bản và có hệ thống.

Các thùng đựng và bảng hướng dẫn phân loại rác được ghi chỉ dẫn rõ ràng để thuận tiện cho người dân
Không chỉ dừng lại ở quy mô, Tagom còn xây dựng mối quan hệ hợp tác với hơn 20 tổ chức, doanh nghiệp. Những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy đã mang về cho dự án nhiều chứng nhận uy tín và giải thưởng danh giá – như một lời công nhận xứng đáng cho hành trình miệt mài “giải cứu” rác thải vì một đô thị xanh – sạch – sống.
Chị Thuỳ Linh hy vọng, mỗi người hãy cùng nhau thay đổi bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, rèn luyện thói quen thực hành phân loại rác tại nhà, để có thể giảm phát thải rác ra môi trường. Tagom kỳ vọng góp phần tạo dựng một thế hệ có trách nhiệm hơn, chủ động hơn với môi trường và với tương lai của thế hệ sau.

Kiểm tra, xử lý tình trạng ngập rác thải dự án cứng hóa kênh La Khê
Kinhtedothi - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh tình trạng ngập rác thải dự án cứng hóa kênh La Khê (quận Hà Đông).

Doanh nghiệp du lịch Hà Nội nói không với rác thải nhựa
Kinhtedothi - Ngày 14/3, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội tổ chức chương trình khảo sát, liên kết hợp tác phát triển du lịch và phát động bảo vệ môi trường, thúc đẩy du lịch bền vững tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) năm 2025.

Rác thải rắn bừa bãi trên các tuyến vành đai
Kinhtedothi - Bất chấp lệnh cấm và những nỗ lực dọn dẹp, một số tuyến vành đai của Thủ đô Hà Nội vẫn trở thành nơi tập kết rác thải xây dựng.