Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái chế nhựa hướng đến kinh tế tuần hoàn

Duy Chí
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/7, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) họp mặt hội viên với chủ đề “Những bước chuẩn bị để đáp ứng các tiêu chuẩn trong ngành tái chế và xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn đối với ngành nhựa”.

Ông Hồ Đức Lam (thứ 3 từ trái sang) ký kết hợp tác với Công ty Luật TNHH  Thu & Công sự hỗ trợ pháp lý cho hội viên VPA 
Ông Hồ Đức Lam (thứ 3 từ trái sang) ký kết hợp tác với Công ty Luật TNHH  Thu & Công sự hỗ trợ pháp lý cho hội viên VPA 

Đến đầu tháng 7/2022, cả nước có trên 3.300 doanh nghiệp nhựa với trên 250.000 lao động gắn bó với ngành nhựa. Sản lượng toàn ngành đạt 5,9 triệu tấn/năm, tăng 2,1% so cùng kỳ; doanh thu trên 13 triệu USD, tăng 14,6 % trong khi giá đầu vào, chi phí tăng từ 10% đến 30%.

“Sau đại dịch, tinh thần doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp hội viên VPA nói riêng rất hào hứng, phấn khởi trở lại hoạt động do có nhiều cơ hội đan xen với thách thức như: thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản tăng đơn hàng nhập khẩu từ các nhà cung ứng Việt Nam, do các thị trường này đang khó khăn trong sản xuất ngành nhựa và giá tăng; đến năm 2035, dự kiến tỷ lệ nhựa trong máy móc (ô tô, xe máy…) nâng lên 35%; Tới đây, Hoa Kỳ sẽ mở nhà máy lắp ráp máy bay tại Việt Nam; hiện tỷ lệ sử dụng dồ nhựa tại Việt Nam còn thấp so với khu vực và thế giới (59 kg/người/năm)... là cơ hội tốt cho các nhà sản xuất, cung ứng trong ngành nhựa.

Bên cạnh đó, ngành nhựa phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, thách thứ "sống còn" là vấn đề rác thải nhựa. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa cao nhất thế giới. Nếu không giải quyết thỏa đáng vấn đề này thì sản phẩm nhựa sẽ bị xã hội xa lánh. Thành viên Hiệp hội Nhựa cần đổi mới mạnh mẽ, trong đó, yêu cầu trước tiên là công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn và xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn đối với ngành nhựa”, ông Hồ Đức Lam – Chủ tịch VPA nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Như Khuê trình bày về tiêu chuẩn trong ngành tái chế và xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn đối với ngành nhựa
Ông Nguyễn Như Khuê trình bày về tiêu chuẩn trong ngành tái chế và xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn đối với ngành nhựa

Giải pháp, công nghệ phát triển kinh tế tuần hoàn với ngành nhựa được ông Nguyễn Như Khuê - Tổng Giám đốc Công ty công nghệ hóa nhựa Bông Sen chia sẻ: "Hiện tại, công nghệ tái chế nhựa đã tiến lên mức hoàn thiện, cùng lúc có thể tách mực in, phân loại màu, khử mùi, tẩy rửa… cho ra nguyên liệu nhựa trắng, nhựa màu. Cơ hội để các nhà doanh nghiệp nhựa Việt Nam tiếp cận công nghệ là Hội chợ toàn cầu ngành công nghiệp nhựa và cao su “K – Dusseldorf 2022” diễn ra tại Đức. VPA sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp nhựa Việt Nam tham quan, ký kết hợp tác, chuyển giao công nghệ, trao đổi kinh nghiệm".  

Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam Hồ Đức Lam (giữa) trao giấy chứng nhận cho hội viên mới
Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam Hồ Đức Lam (giữa) trao giấy chứng nhận cho hội viên mới

Theo VPA, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh, hội nhập kinh tế quốc tế, Công ty Luật TNHH Thu & Cộng sự được VPA chọn làm người đồng hành, hỗ trợ, tư vấn pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp năm đầu tiên. “Tới đây, VPA vừa đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về rác thải nhựa, cùng các giải pháp xử lý rác thải nhựa thân thiện môi trường; đồng thời, thành lập Trung tâm thu gom, tái chế rác thải nhựa thông qua nguồn tài trợ của các tập đoàn đa quốc gia có quan hệ hợp tác với VPA”, đại diện VPA cho biết.