Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái chế rác thải nhựa hướng tới kinh tế tuần hoàn

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối toàn cầu, đặc biệt tại Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì chỉ nhìn nhận đây là gánh nặng, nhiều chuyên gia và DN đang biến rác thải nhựa thành nguồn tài nguyên quý giá, mở ra cánh cửa cho nền kinh tế tuần hoàn đầy tiềm năng.

Nỗi ám ảnh mang tên “ô nhiễm trắng”

Nhựa đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, nhưng hệ lụy mà nó gây ra cho môi trường cũng không hề nhỏ. Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP), mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó một lượng lớn đổ ra đại dương, gây ô nhiễm nghiêm trọng và đe dọa hệ sinh thái biển. Việt Nam, với bờ biển dài và nền kinh tế đang phát triển, cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.

Rác thải nhựa đang là vấn nạn toàn cầu về ô nhiễm môi trường.
Rác thải nhựa đang là vấn nạn toàn cầu về ô nhiễm môi trường.

Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường (cũ là Bộ Tài nguyên và Môi trường), mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28 - 0,73 triệu tấn bị thải ra biển, nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, DN. Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Nhiều nhà quản lý và chuyên gia môi trường nhận định rằng, việc quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, từ khâu thu gom, phân loại đến tái chế. Hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu và nhận thức của người dân về phân loại rác tại nguồn chưa cao.

Trước thực trạng này, việc áp dụng mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa được xem là giải pháp cấp thiết và hiệu quả. Kinh tế xanh là mô hình phát triển kinh tế dựa trên việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Trong khi đó, kinh tế tuần hoàn tập trung vào việc tái sử dụng, tái chế và kéo dài vòng đời của sản phẩm, nhằm giảm thiểu chất thải và tận dụng tối đa tài nguyên. Việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa không chỉ giúp giảm áp lực lên môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế đáng kể.

Theo các chuyên gia môi trường, kinh tế tuần hoàn giúp biến rác thải nhựa thành nguồn tài nguyên quý giá, tạo ra các sản phẩm mới và giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô. Điều này không chỉ bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Thực tế, tái chế rác thải nhựa đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì giá trị của tài nguyên trong nền kinh tế, giảm thiểu lãng phí và ô nhiễm môi trường. Thông qua quá trình tái chế, nhựa phế thải được chuyển hóa thành nguyên liệu cho sản xuất các sản phẩm mới, từ đó giảm nhu cầu khai thác nguyên liệu tự nhiên và tiết kiệm chi phí sản xuất.

Biến rác thải nhựa thành tài nguyên

Chuyên gia môi trường, PGS.TS Vũ Thanh Ca nhận định, để bảo đảm tính hiệu quả của việc xử lý rác thải sinh hoạt, Việt Nam cần phải kiên quyết thực hiện việc xây dựng và vận hành một nền kinh tế tuần hoàn. “Để xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, sử dụng rác thải như là tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cần từng bước đầu tư xây dựng hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và xử lý rác theo mô hình phân loại rác thải tại nguồn” – PGS.TS Vũ Thanh Ca nói.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, kinh tế tuần hoàn đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Luật cũng nêu rõ, Chính phủ sẽ quy định các tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ta. Chính sách này sẽ thúc đẩy Chính phủ cùng các địa phương xử lý tốt hơn vấn đề rác thải.

Công cuộc tái chế rác thải là hướng đi thiết thực và bền vững của mỗi quốc gia, trong việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Việc sử dụng chất thải ngành này làm đầu vào nguyên liệu sản xuất của ngành khác sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng ngành tái chế rác thải nhựa ở Việt Nam vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn. Hạ tầng thu gom, phân loại rác còn yếu kém là một trong những trở ngại lớn nhất.

Hiện nay, việc phân loại rác tại nguồn vẫn chưa được thực hiện rộng rãi, khiến cho chất lượng rác thải nhựa đầu vào cho các nhà máy tái chế không cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, công nghệ tái chế nhựa ở Việt Nam còn lạc hậu so với các nước phát triển. Đa số các DN vẫn sử dụng công nghệ tái chế cơ học, chỉ có thể tái chế được một số loại nhựa nhất định và chất lượng sản phẩm tái chế thường không cao. Một thách thức khác là nhận thức của người dân và DN về việc phân loại rác và sử dụng sản phẩm tái chế còn hạn chế. Nhiều người vẫn chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn, và một số DN còn e ngại sử dụng nhựa tái chế vì lo ngại về chất lượng.

Tuy nhiên, theo Chuyên gia về quản lý chất thải rắn, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Trung Việt, đây là những thách thức có thể vượt qua nếu có sự chung tay của tất cả các bên liên quan: "Chính phủ cần có những chính sách mạnh mẽ hơn để khuyến khích tái chế, như áp dụng cơ chế EPR (Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), hỗ trợ DN đầu tư vào công nghệ tái chế, và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng. Về phía DN, cần chủ động đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm tái chế và tìm kiếm thị trường đầu ra. Còn người dân, mỗi người cần có ý thức hơn trong việc phân loại rác tại nguồn, ưu tiên sử dụng sản phẩm tái chế”.

Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng có nhiều mô hình tái chế rác thải rất hiệu quả. Ví dụ như ở Hà Lan có công viên tái chế được làm hoàn toàn bằng nhựa và rác thải nổi trên sông. Công viên nổi được tạo ra để làm môi trường sống cho các sinh vật. Các loài thực vật phát triển đồng thời cả trên và dưới bề mặt sông, cung cấp nguồn thức ăn cho sinh vật biển và khuyến khích cá đẻ trứng bên dưới mặt nước. Tại Nga, các nhà khoa học nước này đã nghiên cứu đưa rác thải nhựa thành nguyên liệu xăng. Khi vật liệu tái chế được đốt nóng đến nhiệt độ nhất định, các liên kết bị phá vỡ và chuyển sang dạng khí. Lúc này, khí thải tiếp tục được ngưng tụ thành chất lỏng xăng dầu. Trong khi đó, Bỉ áp dụng quy trình quản rác thải Ecolizer và sự kiện xanh. 75% rác của Bỉ được tái sử dụng, tái chế hoặc ủ phân.

 

Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc thu gom, tái chế sản phẩm, bao bì thải bỏ (EPR). Đây được coi là một bước tiến quan trọng, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy ngành tái chế rác thải nhựa phát triển.
Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội