Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tài chính tuần qua: Nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh vẫn được quan tâm

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời các nội dung liên quan đến một số vấn đề được dư luận, xã hội, báo chí quan tâm. Trong đó có chính sách tạm hoãn xuất cảnh với người nộp thuế nợ thuế, chính sách thuế thương mại điện tử (TMĐT)... được quan tâm.

Tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế: Làm sao để tránh?

Một trong những vấn đề nổi bật được Bộ Tài chính làm rõ là chính sách tạm hoãn xuất cảnh đối với những người nộp thuế không hoàn thành nghĩa vụ thuế. Theo đó, khi người nộp thuế (NNT) có dấu hiệu nợ thuế, cơ quan thuế (CQT) sẽ thực hiện các biện pháp đôn đốc như gọi điện thoại, gửi email, mời lên làm việc hoặc gửi thông báo nợ, quyết định cưỡng chế, và cuối cùng là thông báo tạm hoãn xuất cảnh nếu NNT vẫn không thực hiện nghĩa vụ.

Trước khi ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh, CQT sẽ tiến hành rà soát và đối chiếu nghĩa vụ thuế của từng NNT để đảm bảo tính chính xác. Thông báo tạm hoãn xuất cảnh sẽ được gửi qua nhiều kênh để NNT có thể nắm bắt thông tin, bao gồm ứng dụng eTaxmobile, tài khoản giao dịch điện tử của Tổng cục Thuế, email cá nhân của NNT, và thư tín qua địa chỉ mà người nộp thuế đã đăng ký với cơ quan thuế.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng lưu ý rằng, nếu NNT phản ánh không biết về việc nợ thuế hoặc không nhận được thông báo từ CQT, có thể do việc chưa cập nhật đầy đủ thông tin như thay đổi địa chỉ nhận thông báo thuế, email, hoặc số điện thoại. Để tránh tình trạng bị tạm hoãn xuất cảnh tại sân bay hay cửa khẩu, Bộ Tài chính khuyến cáo người nộp thuế cần thường xuyên tra cứu nghĩa vụ thuế của mình và cập nhật thông tin liên lạc để đảm bảo nhận được thông báo kịp thời.

Trong trường hợp NNT đã hoàn thành nghĩa vụ thuế nhưng vẫn bị tạm hoãn xuất cảnh, họ cần liên hệ ngay với CQT để yêu cầu hủy bỏ quyết định tạm hoãn.

NNT cần thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ thuế
NNT cần thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ thuế

Một vấn đề đáng chú ý khác được Bộ Tài chính làm rõ là chính sách quản lý thuế đối với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký cấp phép. Để quản lý hiệu quả hoạt động của các sàn TMĐT này, Bộ Tài chính cho biết các nhà quản lý sàn TMĐT có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai và tự nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Cổng này đã được vận hành từ năm 2022, giúp NCCNN thực hiện nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế Việt Nam.

Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh rằng nếu phát hiện nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) khai báo không đúng về doanh thu, cơ quan thuế sẽ đối chiếu dữ liệu và yêu cầu NCCNN thực hiện nghĩa vụ thuế đúng quy định. Nếu cần thiết, cơ quan thuế sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra các giao dịch có dấu hiệu gian lận hoặc trốn thuế.

Để tạo thuận lợi cho các sàn TMĐT và người nộp thuế, Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, trong đó quy định rằng các tổ chức quản lý các sàn TMĐT có chức năng thanh toán (bao gồm cả tổ chức trong nước và quốc tế) sẽ phải khấu trừ và nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn. Quy định này sẽ giúp giảm số lượng đầu mối kê khai thuế và giảm chi phí hành chính cho xã hội, đồng thời bảo vệ nguồn thu ngân sách nhà nước.

Liên quan đến chính sách miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng bán qua các sàn TMĐT, Bộ Tài chính cho biết đây là chính sách đã được áp dụng từ lâu nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan. Tuy nhiên, nhiều quốc gia như EU, Anh, Singapore, và Thái Lan đã bỏ quy định miễn thuế này để bảo vệ nguồn thu và đảm bảo công bằng trong việc thu thuế. Vì vậy, Bộ Tài chính cũng đang xem xét việc điều chỉnh chính sách miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị thấp.

“Thúc” giải ngân vốn đầu tư công cuối năm

Một trong những nội dung quan trọng được Bộ Tài chính cập nhật là tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024. Theo thông tin từ Bộ, tổng kế hoạch vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước (NSNN) trong năm 2024 là 680.075,8 tỷ đồng, với nguồn ngân sách địa phương (NSĐP) đạt 432.348,9 tỷ đồng và vốn cho các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là 27.220 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương đã bổ sung thêm 69.680 tỷ đồng vào kế hoạch vốn năm nay, nâng tổng số vốn phân bổ cho năm 2024 lên 806.300,8 tỷ đồng.

“Thúc” giải ngân vốn đầu tư công dịp cuối năm 
“Thúc” giải ngân vốn đầu tư công dịp cuối năm 

Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng số vốn đã được phân bổ là 735.412,2 tỷ đồng, đạt 108,14% so với kế hoạch ban đầu của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn một phần vốn chưa được phân bổ, chủ yếu do các dự án chưa hoàn tất thủ tục đầu tư hoặc cần điều chỉnh thêm về chủ trương đầu tư.

Về giải ngân, tính đến 30/9/2024, đã giải ngân được 325.066,6 tỷ đồng, chiếm 40,32% tổng kế hoạch. Bộ Tài chính dự báo đến cuối tháng 10/2024, con số này sẽ tăng lên 47,19%. Đặc biệt, Chương trình phục hồi kinh tế đã đạt tỷ lệ giải ngân rất cao, lên tới 82,7%.

Để đạt mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công trong năm 2024, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần thực hiện quyết liệt các biện pháp như tăng cường kiểm tra, thúc đẩy tiến độ giải ngân theo chỉ đạo của Thủ tướng, và linh hoạt điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ sang các dự án có thể giải ngân nhanh.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án giao thông, có đủ nguyên vật liệu và hoàn thành đúng tiến độ.