Tái cơ cấu doanh nghiệp: Không còn là “mệnh lệnh hành chính”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đầu năm 2012, hàng loạt tên tuổi như Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) tuyên bố tái cấu trúc toàn diện, Công ty Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) do không đủ "sức khỏe" đã chấp nhận sáp nhập vào Tập đoàn Viettel và tới đây, Tập đoàn VNPT cũng cụ thể hóa Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động… Có thể thấy, các doanh nghiệp (DN) đang rất quyết tâm tái cơ cấu.

Tái cơ cấu để tăng doanh số

Tái cơ cấu là mục tiêu mà FPT Software đặt ra khi tiến hành giải thể toàn bộ các công ty thành viên, tái cấu trúc toàn diện. Theo đó, FPT Software sẽ không tiếp tục duy trì hình thức công ty thành viên và tư cách pháp nhân của các đơn vị này, đồng thời thành lập mô hình mới được gọi là các đơn vị phần mềm chiến lược. FPT Software sẽ có 6 đơn vị phần mềm chiến lược được thành lập từ các công ty và trung tâm thành viên. Các đơn vị này được tổ chức theo lĩnh vực kinh doanh, theo thị trường hoặc theo khách hàng. Bên cạnh đó, các phòng ban chức năng của FPT Software cũng được cơ cấu lại toàn diện. FPT giải thích, việc thay đổi là nhằm đưa FPT Software trở thành công ty phần mềm Việt Nam đầu tiên đạt mức doanh số trên 100 triệu USD với 5.000 lập trình viên vào năm 2013 và năm 2012 sẽ là bước đệm quan trọng để thực hiện mục tiêu này.

Với trường hợp của EVN Telecom, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Viettel đã tiếp nhận toàn bộ tài sản từ phía EVN Telecom gồm đất đai, nhà trạm, công nghệ, hệ thống máy móc, thiết bị viễn thông... Nhân sự trực thuộc EVN Telecom cũng trở thành người của Viettel, riêng các cán bộ làm việc tại tập đoàn mẹ nhưng kiêm thêm công việc của EVN Telecom, Viettel bàn giao lại cho EVN quản lý. Thông tin về thương vụ sáp nhập này cho đến nay vẫn còn rất hạn chế, song có thể tin chắc rằng đây là phương án tối ưu để "cứu" EVN Telecom.

Theo ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng Tập đoàn VNPT: "Cạnh tranh mua bán sáp nhập và hợp nhất là quy luật tất yếu trên thị trường. Do đó, không riêng EVN Telecom, việc cấu trúc mua bán sáp nhập sẽ còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới với các mạng khác. Cơ chế thị trường buộc các nhà mạng làm ăn kém hiệu quả phải chấp nhận như vậy".

“Mục tiêu tự thân”

Với DN tư nhân, tái cơ cấu tất nhiên vì "mục tiêu tự thân" như trường hợp FPT Software, còn với DN nhà nước thì sao? Trở lại với câu chuyện EVN Telecom, sáp nhập Viễn thông Điện lực vào Viettel là "mệnh lệnh" từ Chính phủ vì "sức khỏe" của EVN Telecom quá yếu. Tuy là mạng di động thứ 6 tại Việt Nam, sở hữu đầu số 096 và băng tần 450 MHZ, nhưng sau gần 7 năm triển khai, EVN Telecom rơi vào tình cảnh nợ nần khó trả, hoạt động sa sút, nếu không sáp nhập vào sẽ gây tổn thất cho phần vốn, nhân lực, công nghệ mà Nhà nước đã đầu tư vào đơn vị này.

Không riêng EVN Telecom, rất nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn kém cũng đã buộc phải tái cơ cấu trong năm qua và mấy năm tới. Ban đầu có thể các DN cảm thấy khiên cưỡng nhưng đứng trước bối cảnh kinh tế chung khó khăn hiện nay, họ đã nhận ra đây là "mục tiêu tự thân" của DN. Tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, đề án tái cơ cấu toàn diện đã được công bố theo hướng thu gọn còn 43 công ty con, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đóng tàu và công nghiệp phụ trợ cho đóng tàu, cắt giảm 216 DN còn lại bằng các hình thức bán, cổ phần hóa, cho thuê… Các Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Than Khoáng sản, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị… cũng đã công bố triển khai kế hoạch tái cơ cấu.

Quyết tâm của các DN đã thấy rõ, còn kết quả cụ thể cuối cùng của các đề án tái cơ cấu sẽ còn phải chờ kiểm nghiệm, vì cho đến giờ, tất cả vẫn đang là ẩn số.

 
Theo Bộ Tài chính, trong quý 1/2012, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91 phải trình Thủ tướng Chính phủ; tổng công ty 90 và DNNN phải trình bộ quản lý ngành, UBND tỉnh, thành phố phương án tái cơ cấu của mình để được phê duyệt và triển khai thực hiện.