Tái cơ cấu đơn vị sự nghiệp công để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng trọng tâm thực hiện đổi mới cơ chế tài chính sự...

Kinhtedothi - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng trọng tâm thực hiện đổi mới cơ chế tài chính sự nghiệp công là xây dựng giá, phí dịch vụ sự nghiệp công theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp nói chung, đồng thời chấp nhận giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập không hiệu quả.

Việc đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có ý nghĩa quan trọng với hoạt động khám chữa bệnh của các tuyến bệnh viện trên cả nước.

Ngày 7/8, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, đã nghe và cho ý kiến về việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 43/2006/NĐ-CP về đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng dự còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành của Chính phủ, cơ quan của Quốc hội.

 
Việc đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có ý nghĩa quan trọng với hoạt động khám chữa bệnh của các tuyến bệnh viện trên cả nước.
Việc đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có ý nghĩa quan trọng với hoạt động khám chữa bệnh của các tuyến bệnh viện trên cả nước.
Mục tiêu xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 43 là tạo lộ trình xoá bỏ bao cấp Nhà nước qua giá, phí dịch vụ sự nghiệp công như hiện nay theo hướng tính đủ tiền lương, chi thường xuyên phù hợp với khả năng của NSNN và thu nhập của người dân.

Nhà nước sẽ tiến tới đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công dựa trên cơ sở định mức kinh tế-kỹ thuật. Để đảm bảo công bằng cho đối tượng chính sách, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp khi đối tượng này sử dụng dịch vụ sự nghiệp công.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng - người đứng đầu cơ quan soạn thảo Nghị định mới, cho rằng trọng tâm thực hiện đổi mới cơ chế tài chính sự nghiệp công là xây dựng giá, phí dịch vụ sự nghiệp công theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp nói chung, đồng thời chấp nhận giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập không hiệu quả.

“Đưa ra yếu tố giá dịch vụ sự nghiệp công sẽ tạo nguồn lực cho đầu tư và tái phân bổ nguồn lực hiệu quả cho các đơn vị sự nghiệp công lập”, ông Dũng nói thêm.

Đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, giá dịch vụ công xác định theo lộ trình: Đến năm 2015 mức giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; đến năm 2016 mức giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); đến năm 2018 mức giá tính đủ chi phí, tích lũy hợp lý.

Đối với giá dịch vụ công không sử dụng NSNN thì đơn vị tự xác định theo nguyên tắc thị trường.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành cũng cho rằng những đơn vị sự nghiệp công lập đã đủ điều kiện về tự chủ thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự có thể chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, được Nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ công theo giá tính đủ chi phí (có cả chi phí khấu hao tài sản).

Đồng tình với quy định trên, nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng cần có một thiết chế để “ép” thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp trong bối cảnh vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết tâm thực hiện.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng quan tâm tới việc đảm bảo quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đối với vấn đề biên chế, bộ máy và tiền lương trong khi những quy định về thẩm quyền tuyển chọn, sa thải viên chức của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn vướng với Luật Công chức, viên chức hiện hành.

Cho ý kiến vào việc xây dựng Nghị định mới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập là vấn đề khó, nhạy cảm nhưng phải làm để đảm bảo cung cấp dịch vụ công bằng, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công cho nhân dân, sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước.

“Việc thiết kế Nghị định cần theo hướng thúc đẩy hoạt động sự nghiệp nói chung, đồng thời “ép” và tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp công lập có động lực đổi mới hoạt động”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đưa ra yêu cầu làm Nghị định.

Về chính sách cho hoạt động đổi mới đơn vị sự nghiệp công, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng trước mắt dự thảo Nghị định cần vận dụng tối đa các quy định hiện hành như cổ phần hoá, giải thể, hợp tác công tư trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công… Những chính sách nào trái với pháp luật hiện hành thì nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa luật.

Đối với việc xây dựng giá, phí dịch vụ sự nghiệp công, loại hình dịch vụ nào chưa đủ khả năng tính đầy đủ chi phí thì làm theo lộ trình đã đặt ra, loại hình nào có thể tính đủ chi phí hay tính đủ cả tích luỹ hợp lý vào giá thì có thể làm ngay. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng lưu ý Nhà nước sẽ đưa ra các tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ, đơn vị nào đáp ứng được sẽ được hưởng toàn bộ nguồn tiền chi trả từ NSNN.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đồng tình với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc xây dựng khung, bảng lương riêng cho đơn vị sự nghiệp công lập để đảm bảo thu nhập tương ứng với công việc, tránh tình trạng việc trả lương quá cao, đồng thời có trích lập tái đầu tư cho hoạt động ở mức độ tương xứng.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị việc xây dựng Nghị định này có tính chất là Nghị định “khung”, các bộ, ngành tiếp tục rà soát hoạt động của các đơn vị  sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của mình để xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần