Đây là diễn đàn thường niên do Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp chủ trì, giao Tạp chí Kinh tế & Dự báo là cơ quan thường trực tổ chức thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá: Trong xu thế toàn cầu hóa với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và quyết liệt có ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia, yêu cầu của mỗi nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp đều phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của mình bằng chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Vì vậy, cần thiết có những trao đổi thảo luận về các chính sách, các vấn đề về tầm nhìn quốc gia, tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển vốn xã hội và các giá trị xã hội, kinh tế năng lượng, kinh tế rừng, kinh tế tài nguyên, kinh tế biển, kinh tế môi trường, tiến tới việc tìm kiếm giải pháp để đạt được sự phát triển bền vững vì mục tiêu phục vụ con người, phục vụ quốc gia và dân tộc.
Với ý nghĩa đó, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2014 nhằm mục đích trao đổi và thảo luận về các chính sách, các vấn đề về tầm nhìn quốc gia, tái cấu trúc nền kinh tế, lựa chọn giữa cải cách tiệm tiến và đột phá thay đổi, cải cách thể chế kinh tế, phát triển vốn xã hội và các giá trị xã hội cho Việt Nam để đạt được sự phát triển bền vững vì mục tiêu phục vụ con người, quốc gia dân tộc. Diễn đàn cũng đề cập đến vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả và bền vững hơn, từ đó mở ra một cơ hội lớn để nước ta có thể hướng đến tăng trưởng xanh, xanh hóa nền kinh tế.
Tại Diễn đàn lần này, các đại biểu nhấn mạnh đến vấn đề: Tăng trưởng xanh phải là tăng trưởng do con người và vì con người, phát triển hài hòa đời sống xã hội với môi trường tự nhiên, góp phần giải quyết yêu cầu tăng trưởng hợp lý với giảm nghèo bền vững, đảm bảo sự bình đẳng trong cơ hội phát triển cho mỗi người với điều kiện thụ hưởng hợp lý, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong phát triển.
Bên cạnh đó, các chuyên gia thống nhất rằng, tăng trưởng xanh phải dự trên việc tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kinh, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường. Qua đó, sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế ngay trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng cao sẽ tác động mạnh vào nhiều vùng của đất nước.