Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái cơ cấu ngân hàng: Cơ hội cho nhà đầu tư ngoại

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành ngân hàng (NH) đang trải qua quá trình tái cơ cấu. Đây được xem là cơ hội tốt cho nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước.

Vốn ngoại vẫn chực chờ

Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) vừa dự kiến sẽ cấp thêm khoản tài trợ trị giá 150 triệu USD cho NH An Bình (ABBank) dưới dạng một khoản vay trực tiếp lên tới 40 triệu USD và một khoản vay hợp vốn/vay song song lên tới 60 triệu USD, ngoài ra có thể kèm thêm một khoản vay lên đến 50 triệu USD. Không chỉ IFC, Maybank (Malaysia) cũng đã được sở hữu tối đa 20% vốn của ABBank.

Tháng trước, NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tuyên bố đã nhận được khoản vay chuyển đổi trị giá 57 triệu USD từ IFC (khoản vay dư nợ gốc có thể chuyển thành cổ phần phổ thông của VPBank trong thời hạn vay). Nếu được cổ đông cho phép, khi đó, IFC sẽ trở thành cổ đông ngoại của VPBank với tỷ lệ sở hữu tối đa 5%. Trước đó, vào thời điểm khi VP Bank chuẩn bị lên sàn chứng khoán, lượng đặt mua của các NĐT nước ngoài lên tới gấp bốn lần chào bán, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như GIC, Deccan, Clermont, Dragon Capital…

Giao dịch tại chi nhánh Vietcombank Hà Nội.  Ảnh: Phạm Hùng

Hiện số lượng NH Việt Nam chưa bán cổ phần cho NĐT nước ngoài còn lại rất ít, như NH Sài Gòn (SCB); Bắc Á (BacA Bank); Việt Á (VietA Bank). Ông Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng Giám đốc SCB cho hay, sau quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu, NH đã lên kế hoạch gọi thêm vốn ngoại, với tỷ lệ vượt trên 50% và đã được chấp thuận về chủ trương. Tương tự với NH Phát triển (HD Bank), nhiều đối tác nước ngoài cũng đã tìm đến nhưng lãnh đạo NH này cho biết, đang trong quá trình đàm phán và khả năng sẽ chốt các thương vụ trong thời gian tới, trước hoặc sau khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán tập trung.

Với NH 0 đồng như Ocenbank, ông Bùi Huy Thọ - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động NH đã xác nhận có NH nước ngoài ngỏ ý muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu. “NĐT nước ngoài này rất nghiêm túc với thương vụ và rất muốn quá trình thực hiện thành công. Nếu thương vụ M&A được thực hiện thành công, Việt Nam sẽ có thêm một NH 100% vốn nước ngoài” - ông Thọ cho biết, hiện, NH Nhà nước và Chính phủ khuyến khích NĐT trong và ngoài nước tham gia nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các NH mua lại bắt buộc.

Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, ông Don Lam cho rằng, hệ thống NH Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc là vấn đề được giới đầu tư nước ngoài quan tâm, cơ hội để xem xét bỏ vốn nhiều hơn, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đã cho phép mua đứt 100% vốn của NH yếu.

Các ngân hàng Việt Nam có gì hấp dẫn?

TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế khẳng định: “Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, NH nước ngoài có thể thâm nhập thị trường Việt Nam dễ dàng hơn, song để có một mạng lưới sâu rộng như NH trong nước là rất khó. Vì vậy, nếu phải bỏ ra từ 3.000 – 5.000 tỷ đồng để mua lại một NH trong nước, họ vẫn sẵn sàng”.
 Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh VPBank Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng 

Yếu tố hấp dẫn nhất của các NH trong nước chính là tiềm năng phát triển trong tương lai, cả mảng bán buôn và bán lẻ vốn chưa được khai thác hết. Dân số Việt Nam hơn 90 triệu, với kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn trong thời gian sắp tới, thì nhu cầu vốn cũng sẽ rất lớn và đó chính là mảnh đất màu mỡ.

Đơn cử như ở VPBank, sức hấp dẫn là NH Thương mại có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất hệ thống, cả về quy mô tổng tài sản, lợi nhuận và dư nợ, đặc biệt ở phân khúc tín dụng tiêu dùng, khách hàng DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ và hộ gia đình kinh doanh. Nên cho dù tỷ lệ nợ xấu cao do tập trung quá nhiều vào mảng tín chấp, rủi ro cao nhưng lợi nhuận cũng cực lớn.

Khó khăn lớn nhất của công cuộc tái cơ cấu các NH chính là vấn đề xử lý nợ xấu, các NĐT nước ngoài băn khoăn vấn đề thể chế, môi trường đầu tư và quy định pháp luật thông thoáng, tuy nhiên theo ông Bùi Huy Thọ, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được thông qua là một điểm quan trọng, kỳ vọng tạo một bước đột phá mới. Trọng tâm nhất trong Nghị quyết 42 là quy định về xử lý tài sản đảm bảo, do đó, dù là nợ xấu nhưng có tài sản đảm bảo thì nợ không xấu.

Đến lúc cần NĐT ngoại

Các TCTD cần xây dựng và thực hiện kế hoạch bán cổ phần cho các NĐT tài chính và các cổ đông chiến lược nước ngoài. Dòng vốn ngoại vào NH Việt sẽ kích thích xử lý nợ xấu, nâng tỷ lệ CAR (hệ số an toàn) và đẩy mạnh quá trình áp dụng Basel II. Việc củng cố hệ thống NH Việt cũng giúp Việt Nam nâng hạng tín nhiệm quốc gia, qua đó tăng sức hấp dẫn với dòng vốn ngoại vào nhiều lĩnh vực.

Ông Phạm Hồng Hải Tổng giám đốc NH HSBC Việt Nam)