Tái cơ cấu nông nghiệp cần làm căn cơ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận tại tổ Quốc hội chiều qua, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh thừa nhận, nhiều nông sản đang bí đầu ra do chất lượng thấp, không cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của nước ngoài: “Không chỉ là dưa hấu như báo chí đưa tin, nhiều mặt hàng khác cũng đang rất khó khăn.

Nhiều nước cũng đang tái cơ cấu nông nghiệp nhưng họ đi những bước nhanh và vững chắc hơn chúng ta nên nông sản của Việt Nam kém cạnh tranh. Đây tiếp tục là thách lớn cho nền kinh tế nửa cuối năm 2015”.
Tái cơ cấu nông nghiệp cần làm căn cơ - Ảnh 1
Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng

Ông Vinh cho hay, quý I, tăng trưởng đạt 6,03%, tuy nhiên tăng trưởng lại không phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp. Qua con số 4 tháng đầu năm và con số của tháng 5, đà tăng trưởng tốt vẫn tiếp tục, nhưng đang bắt đầu nảy sinh một số khó khăn. Năm nay, nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức. Dự báo về nông nghiệp đã xấu đi nhiều. Đó là thị trường xuất khẩu (XK) hàng hóa nông nghiệp bị thu hẹp, ế ẩm nhiều… Việc hỗ trợ mua dưa hấu chỉ mang tính sẻ chia. Ngoài ra, còn nhiều mặt hàng khác, như cao su cũng tiêu thụ rất khó khăn. Nhiều DN cao su cho biết, giá cao su lúc đỉnh cao là 150 triệu đồng/tấn, nay chỉ còn 25 triệu đồng/tấn. Nhiều nơi bắt đầu chặt cây cao su, đây không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị…

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, chúng ta đang đối mặt với 3 vấn đề trong XK gạo. Thứ nhất là lượng quá nhiều, nhưng chất lại kém, không đủ cạnh tranh với các nước. Hai là, một số nước bắt đầu chính sách bảo hộ nông nghiệp, khuyến khích sản xuất trong nước. “Như Indonesia, mọi năm nhập khẩu rất nhiều, nhưng nay bắt đầu khuyến khích trồng trong nước. Ngay ở Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng cho biết, nước này đang thừa gạo. Trước đây, họ mua gạo của Việt Nam chủ yếu do chúng ta bán quá rẻ. Trước đây, mỗi năm Việt Nam xuất khoảng 2 triệu tấn gạo sang Trung Quốc, và đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất của chúng ta. Nhưng nay, Trung Quốc đã thu hẹp quota nhập khẩu, khuyến khích người dân dùng gạo trong nước sản xuất. Ba là, các nước tham gia XK gạo lại tăng lên, trong khi thị trường thu hẹp. Có những nước chỉ có nhập chứ không xuất, nay lại XK gạo là Ấn Độ và Pakistan, hay ngay cả Campuchia… “Nên chúng đang bị cạnh tranh gay gắt. Nếu mỗi năm cứ XK 6 – 7 tấn gạo thì không thể có thị trường. Vậy nghĩ gì về tái cấu trúc nông nghiệp Việt Nam” – ông Vinh chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT lấy ví dụ thêm từ thanh long, vừa qua, tỉnh Bình Thuận cho biết, sản lượng thanh long đang tăng rất mạnh, vì dân thấy có lợi nên làm, như vậy làm sao không ế? Dân cứ thấy lợi là làm, không theo quy hoạch.

Ông Vinh cho rằng, vấn đề nông nghiệp cần bàn căn cơ hơn, thấu đáo, sâu sắc hơn, ngay trong năm nay để có nhìn nhận về thị trường, về sản xuất trong nước. Nếu không tháo gỡ mạnh, đến tháng 10 sẽ thấy tăng trưởng của Việt Nam bị chậm lại do nông nghiệp. Mà nông nghiệp sẽ ảnh hưởng đời sống nông dân - lực lượng lao động lớn.