Tái cơ cấu nông nghiệp Hà Nội: Nâng chất lượng, tăng chiều sâu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển từ phát triển chiều rộng lấy sản lượng làm mục tiêu sang chiều sâu theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường… là những bước tiến vững chắc trong cơ cấu nông nghiệp Hà Nội theo hướng hiện đại, bền vững.

Tăng trưởng bền vững giữa "bão" Covid-19

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, mức tăng trưởng 4,2% trong năm 2020 và 3,9% trong 6 tháng đầu năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã minh chứng cho thành công của việc tái cơ cấu nông nghiệp Thủ đô.

Với việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đến nay, Hà Nội đã hình thành hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung (từ 50ha đến 300ha/vùng) với tổng diện tích hơn 40.000ha; 5.044ha rau an toàn, hơn 50ha rau hữu cơ; gần 50 vùng trồng hoa chất lượng cao. Hiện tại, diện tích cây ăn quả của TP đã lên tới 21.800ha, tăng 5.180ha so với năm 2017, trong đó 60% diện tích trồng các loại quả đặc sản, đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu. Mặt khác, việc tập trung phát triển vùng sản xuất hàng hóa đã tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã (HTX) đưa công nghệ cao vào sản xuất. Hà Nội đã có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 Chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. Ảnh: Ánh Ngọc

Bên cạnh đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng có sự chuyển dịch lớn. Từ việc đầu tư chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học, sản lượng thịt lợn, gia cầm, thủy sản bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường. Đáng chú ý, từ việc tái cơ cấu nông nghiệp, TP đã có 50 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 78 HTX nông nghiệp tham gia liên kết chuỗi…

Đơn cử tại huyện Thanh Oai, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, từ việc tái cơ cấu, giá trị sản xuất nông nghiệp của Thanh Oai tăng mạnh. Hiện, huyện đã hình thành vùng sản xuất lúa trên 6.000ha, vùng cây ăn quả 428ha, vùng chăn nuôi xa khu dân cư 71,14ha.

Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững

Thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025". Theo đó, Hà Nội hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đồng thời, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Cụ thể, thời gian tới, Hà Nội sẽ giảm diện tích sản xuất lúa từ 165.593ha xuống còn 140.000ha. Cùng với đó, mở rộng diện tích trồng rau, đậu từ 32.907ha lên 38.000ha; cây ăn quả từ 19.390ha lên 25.750ha; hoa, cây cảnh từ 8.500ha lên 9.000ha. Hà Nội sẽ tập trung phát triển chăn nuôi tại các vùng xã trọng điểm theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; tăng số lượng đàn bò lên 150.000 – 160.000con, đàn lợn lên 1,8-2 triệu con; đồng thời trở thành trung tâm cung cấp con giống (bò thịt, lợn, gia cầm) cho các địa phương. TP cũng sẽ chuyển đổi các vùng đất trũng, thấp sang mô hình lúa - cá, bảo đảm diện tích nuôi trồng thủy sản từ 24.000ha - 25.000ha, trong đó diện tích nuôi tập trung khoảng 11.500ha với các loại đặc sản như: Trắm đen, cá lăng, cá điêu hồng, tôm càng xanh…

 Mô hình trồng dưa lưới cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai. Ảnh: Ánh Ngọc

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, thời gian tới, huyện tiếp tục chủ động tích cực chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, xây dựng, ban hành các cơ chế hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo vùng sản xuất tập trung. Giai đoạn 2021 - 2025, Ứng Hòa phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 4,26%/năm; nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng đất nông nghiệp. Đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt từ 345 triệu đồng/ha/năm trở lên và có ít nhất 330 trang trại; năm 2030 có 500 trang trại ứng dụng công nghệ cao.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội sẽ hình thành chuỗi giá trị nông sản bằng cách xây dựng các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm chủ lực của địa phương, từ đó, thu hút đầu tư của DN vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở liên kết với HTX, tổ hợp tác. Để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, TP cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong nước và quốc tế.

Hà Nội sẽ tạo đột phá trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho DN về tín dụng, mặt bằng kinh doanh, xúc tiến thương mại, quy hoạch lại các khu công nghiệp... nhằm tiếp tục phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần