Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái diễn tình trạng đổ trộm phế thải trong mùa dịch

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian giãn cách xã hội, Hà Nội đã yêu cầu dừng hoạt động của các nhà hàng, quán ăn, công trình xây dựng (trừ những công trình đặc thù)… Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, tình trạng tập kết rác, phế thải xây dựng, rác thải cồng kềnh vẫn xuất hiện ở nhiều khu vực tại Thủ đô.

 Rác, phế thải xây dựng tràn lan trên phố Trần Hòa.
Như đã biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP Hà Nội đã yêu cầu các nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh không thiết yếu… và các công trình xây dựng dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Về lý thuyết, khi các đối tượng này dừng hoạt động thì lượng rác thải phát sinh sẽ giảm đáng kể… Song, theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số tuyến đường như Trần Hòa, Nguyễn Cảnh Dị (Hoàng Mai), Kim Giang, Khương Trung (Thanh Xuân)… tình trạng rác thải xây dựng, rác thải cồng kềnh bị tập kết sai quy định vẫn diễn ra khá phổ biến.
Chị Nguyễn Thị Thơm, khu nhà ở xã hội Đồng Mô - Đại Kim, phố Trần Hòa chia sẻ, từ khi TP yêu cầu các cơ sở kinh doanh, đặc biệt là những công trình xây dựng dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh… những tưởng tình trạng tập kết rác, phế thải xây dựng… tại phần vỉa hè giáp với sông Tô Lịch diễn ra trong nhiều năm qua sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, cứ mỗi ngày trôi qua lượng rác, phế thải xây dựng, rác thải cồng kềnh từ đâu lại ùn ùn tập kết về nơi đây gây mất VSMT, mỹ quan đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Tại quận Thanh Xuân, tình trạng rác thải xây dựng bị tập kết, đổ trộm sai quy định cũng diễn ra phổ biến.
Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị về thực trạng trên, ông Phạm Thiện Lộc - Giám đốc HTX Thành Công cho biết, đây là thực trạng đã và đang xảy ra trên địa bàn TP nói chung và địa bàn quận Thanh Xuân, huyện Hoài Đức nói riêng - nơi đơn vị đã và đang thực hiện công tác duy trì, thu gom VSMT. Cụ thể, theo ông Phạm Thiện Lộc, hàng ngày, thậm chí là trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, ngoài việc tổ chức duy trì, thu gom rác thải sinh hoạt theo bài thầu, đơn vị vẫn thường xuyên phải dọn dẹp một lượng lớn rác thải xây dựng và rác thải cồng kềnh phát sinh trên địa bàn.
“Lượng rác thải cồng kềnh phát sinh thêm trong thời gian giãn cách xã hội - khi người dân ở nhà để phòng, chống dịch theo yêu cầu của TP là có thể hiểu được, nhưng việc phát sinh thêm lượng rác thải xây dựng là điều bất thường. Bởi, hiện các công trình xây dựng, đặc biệt là tại địa bàn quận Thanh Xuân vẫn đang dừng hoạt động để phòng, chống dịch theo quy định của TP” - ông Phạm Thiện Lộc chia sẻ.
Theo lãnh đạo HTX Thành Công, tình trạng tập kết rác, phế thải xây dựng sai quy định đang có chiều hướng gia tăng trong mùa dịch. Trong ảnh: Một lượng lớn rác thảy xây dựng, rác thải cồng kềnh được thu gom, xử lý trên phố Khương Trung, quận Thanh Xuân.
Trong khi đó, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo nhiều đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, duy trì VSMT trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng, rác thải cồng kềnh không phải là chuyện của riêng mùa dịch mà nó đã và đang tồn tại trong nhiều năm qua. Do đó, để khắc phục tình trạng trên, chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, chốt trực, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia môi trường cho biết, hiện nay, TP Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát, để cho phép các công trình xây dựng, trong đó có các công trình xây dựng riêng lẻ hoạt động trở lại… và khi các công trình xây dựng hoạt động trở lại thì lượng rác phế thải xây dựng, rác thải cồng kềnh sẽ tăng đột biến. Do đó, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ tình trạng trên sẽ diễn biến rất phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đảm bảo VSMT, mỹ quan đô thị trên địa bàn TP.