Tái hiện Tết Trung thu bằng hình thức trực tuyến

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nay, Trung thu diễn ra trong bối cảnh đặc biệt đối với các em thiếu nhi. Trẻ em Hà Nội khó có thể được cùng bố mẹ đi phố Hàng Mã mua đồ chơi và rộn ràng rủ nhau đi rước đèn khắp ngõ xóm. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để người lớn mang lại cho trẻ những trải nghiệm mới mẻ của một mùa Trung thu thật gắn kết, thắm đượm tình cảm gia đình bằng hình thức trực tuyến.

Không gian trưng bày Tết Trung thu tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn
Mâm cỗ trông trăng của người Hà Nội
Tết Trung thu hàng năm diễn ra vào 15/8 âm lịch (năm nay là 21/9/2021). Đây là thời điểm mát mẻ, dễ chịu của tiết trời mùa Thu. Vào ngày rằm tháng 8, ban ngày các gia đình thường làm cỗ cúng gia tiên, đến tối bày cỗ thưởng nguyệt.

Theo đó, mâm cỗ trông trăng không thể thiếu mâm ngũ quả với nải chuối trứng cuốc chín vàng, trái hồng đỏ mọng, trái na mang ước nguyện sinh sôi, trái bưởi mang những điều tốt lành, trái lựu chứa ngọt ngào may mắn… cùng con chó được tết bằng tép bưởi sinh động. Ngoài bánh trái cho trẻ nhỏ, người lớn cũng có một vài món mặn để trông trăng như đĩa giò ốc nhồi lá gừng hay món cốm với nải chuối chín vàng gợi nên phong vị mùa Thu đặc trưng. Để trang trí cho mâm ngũ quả, người lớn còn bày lên các loại đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn cá khi thắp nến lên thì rực rỡ, lung linh; đầu sư tử, mặt nạ giấy bồi, đồ chơi sắt tây, đặc biệt là các con giống bằng bột nhiều màu sắc.

Trung thu xưa không có điện, mọi người thắp đèn bày cỗ ra trước sân nhà, lũ trẻ con thỏa sức chạy nhảy dưới ánh trăng. Sau khi cúng lễ xong, các gia đình phá cỗ, mọi người cùng nhau thưởng thức các loại trái cây và bánh kẹo. Rằm Trung thu vì thế còn trở thành dịp nối kết mọi người lại với nhau, bên chén trà, bên miếng bánh Trung thu ngọt ngào, bên những câu chuyện tình thân đầm ấm.

Theo GS Lê Văn Lan: “Năm nay, chúng ta có Tết Trung thu đặc biệt trong thời điểm xã hội tập trung vào nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Trong hoàn cảnh đó, việc tổ chức Trung thu bằng hình thức trực tuyến, hợp tình, hợp lý sẽ mang lại giá trị đáng kể cho việc tạo ra hạnh phúc trong gian khó”.

Đến gần với văn hoá truyền thống

Trung thu năm nay, trong trưng bày “Trung thu sum vầy” do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức, người xem được ngắm nhìn lại mâm cỗ trông trăng của người Hà Nội xưa. Bên cạnh việc ngắm nhìn, tìm hiểu về mâm cỗ trông trăng truyền thống của người Hà Nội, đến với triển lãm trực tuyến, người xem sẽ được tiếp cận những loại đồ chơi được phục hồi theo lối cổ dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân ở các phố cổ và làng nghề ven Thăng Long.

Cùng với đó, truy cập trưng bày trực tuyến tại địa chỉ hoangthanhthanglong.vn và trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn, công chúng sẽ được gặp gỡ các nhà sử học, chuyên gia văn hóa qua các video clip nói chuyện về Tết Trung thu truyền thống với chủ đề “Trung thu sum vầy” trong bối cảnh dịch Covid; Tục bày cỗ của người Hà Nội với các tích truyện đặc sắc như ông Lã Vọng câu cá, Tiến sĩ vinh quy, Người con hiếu thảo, tục rước đèn; Tục thưởng trăng của người Hà Nội.

Trưởng phòng Hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thị Yến chia sẻ: “Trong tình hình giãn cách phòng, chống dịch bệnh Covid - 19, thông qua hình thức trực tuyến, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội mong muốn truyền tải đến du khách những ý nghĩa quan trọng của ngày Tết Trung thu. Theo đó, với chủ đề trưng bày “Trung thu sum vầy” giúp các em nhỏ và người thân của mình vẫn được trải nghiệm một mùa Trung thu sum vầy, an toàn và ngập tràn niềm vui. Trưng bày trực tuyến cũng giúp cho du khách có điều kiện đến gần với di sản hơn bằng sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, góp phần quảng bá di sản đến du khách trong và ngoài nước”.

Rằm tháng Tám năm nay có lẽ là một kỷ niệm khó quên đối với các em nhỏ. Các em cùng cha mẹ thực hiện giãn cách xã hội nhưng chỉ từ những gợi ý về việc chuẩn bị mâm cỗ Trung thu truyền thống hay cách làm đồ chơi dung dị có thể làm tại nhà sẽ giúp tình cảm gia đình thêm gắn bó trong không khí sum vầy, đoàn viên.