Xem 150 tác phẩm được tác giả trực tiếp ký họa tại các cung đường, trọng điểm địch đánh phá ác liệt từ năm 1968 đến 1972 và 15 bức sơn dầu khổ lớn, người xem có thể hình dung ra tuyến đường hậu cần chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Giúp họa sĩ Đức Dụ treo tranh, Đại tá, TS Đào Hải Triều - Giám đốc Bảo tàng Hậu cần quân đội xúc động nói: "Đây là lần thứ 3 triển lãm này được tổ chức tại bảo tàng, nhưng tôi vẫn rất cảm động khi xem những bức vẽ chân thực này. Tôi thấy các đoàn xe ra trận, những binh trạm hậu cần đang bốc vác, sắp xếp, vận chuyển hàng hóa để đi khắp các chiến trường phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong đó, quân nhu bảo đảm cơm nước, bộ đội vận tải hăng hái với phương châm "đánh địch mà đi", "mở đường mà tiến", vượt mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các chiến sĩ của ngành xăng dầu bảo đảm xăng dầu cho các đoàn xe, máy móc, trang thiết bị quân đội… Không chỉ bộ đội mà toàn dân làm công tác hậu cần". Họa sĩ Đức Dụ đã tái hiện cả cảnh người dân tiếp tế lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, tham gia mở đường, lấp hố bom. Thậm chí, họ chặt cả cây ăn quả, cây quý, nóc nhà xếp xuống đường cho xe qua… Tất cả đã làm toát lên được các hoạt động hậu cần thời chiến.
Họa sĩ Nguyễn Đức Dụ (phải) bên một bức tranh trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Hồng Hạnh
Đặc biệt, tại triển lãm này, có những bức tranh lần đầu được công bố như: "Xếp hàng", "Giải phóng Sài Gòn", "Trước cửa Dinh Độc Lập", "Đánh địch bảo vệ kho hàng"… Trong đó, bức sơn dầu khổ lớn "Nhận chuyến hàng đầu tiên" được họa sĩ cho là có ý nghĩa nhất. Bức tranh miêu tả cảnh các chiến sĩ hậu cần đang giao hàng tận tay quân giải phóng. Khi đó là tuyến gùi thồ hàng Trường Sơn năm 1959 (chưa có tuyến ô tô vận tải), bộ đội hậu cần phải gùi thồ hàng hóa, thuốc men, đạn dược... đi trong rừng sâu với phương châm "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng".
Quả thực, những bức vẽ ấy vừa có giá trị nghệ thuật, vừa có ý nghĩa lịch sử to lớn, bởi trên đó lưu dấu máu và nước mắt của biết bao người. Triển lãm là lời tri ân đến hàng vạn cán bộ, chiến sĩ trên các trận tuyến hậu cần một thời khói lửa chiến tranh.