70 năm giải phóng Thủ đô

Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng

Nha Trang - Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên trong giai đoạn khởi động lại nền kinh tế trước những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

 Có nhiều biện pháp để kích cầu tiêu dùng, trong đó có phát triển tài chính tiêu dùng (TCTD). Đó là ý kiến đã được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm “Tái khởi động nền kinh tế- Cơ hội cho tài chính tiêu dùng”.
Phát triển tài chính tiêu dùng giúp kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ an sinh xã hội

Ngày 21/5, tại Hà Nội, Báo Đầu tư đã tổ chức Tọa đàm về thị trường tài chính tiêu dùng, với chủ đề: “Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng”, với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính hàng đầu Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp, báo chí.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KHĐT khẳng định, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội Việt Nam. Mô hình phục hồi kinh tế hiện nay đều là củng cố thị trường trong nước trước, sau đó mới vươn ra thị trường nước ngoài; đồng thời phụ thuộc vào xu hướng tiêu dùng mới của người dân, doanh nghiệp và Chính phủ.
“Để làm được điều đó, kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên trong giai đoạn khởi động lại nền kinh tế hiện nay. Có nhiều biện pháp để kích cầu tiêu dùng, trong đó có phát triển TCTD”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Phân tích kỹ hơn, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho rằng, lĩnh vực TCTD, tuy chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động tín dụng của cả nền kinh tế nhưng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giúp người dân vượt qua khó khăn tài chính tạm thời, và thúc đẩy tiêu dùng xã hội, thông qua đó thúc đẩy sản xuất và đóng góp một cách trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, lĩnh vực cho vay tiêu dùng từ chỗ chỉ có ngân hàng thực hiện, giờ đây đã có sự tham gia mạnh mẽ của các công ty TCTD.

Trong bối cảnh như trên, FE CREDIT là công ty tài chính (CTTC) hoạt động tích cực, hiệu quả, góp phần rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vay tiền của người dân có thu nhập trung bình và thấp, khi đang cung cấp dịch vụ cho hơn 15 triệu khách hàng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đây cũng là tổ chức tài chính luôn ý thức về tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

“Việc phân tích tình hình và xây dựng phương án ứng phó với các tình huống giả định về diễn biến của dịch bệnh được chúng tôi triển khai ngay từ đầu để đảm bảo các hoạt động kinh doanh vẫn được duy trì ổn định nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động của công ty cũng như của khách hàng”, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - FE CREDIT cho biết.

Đặc biệt, thực hiện yêu cầu của NHNN theo thông tư 01/2020/TT-NHNN, FE CREDIT đã nhanh chóng đưa ra các chính sách hỗ trợ từ tháng 02 đến hết tháng 6/2020 cho khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh. Cụ thể, đã thực hiện miễn giảm lãi cho hơn 185.000 khách hàng hiện hữu, chia nhỏ các khoản thanh toán cho khách hàng có khó khăn về tài chính, hoặc chấp nhận hoãn việc thanh toán trong 3 tháng, đồng thời xem xét miễn giảm phí chậm thanh toán đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bới COVID-19.

Từ những dẫn chứng cụ thể như trên, cùng chung quan điểm với lãnh đạo Bộ KHĐT, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, hoạt động TCTD của các CTTC có vai trò góp phần phục hồi phát triển kinh tế và hỗ trợ an sinh xã hội sau đại dịch. Có thể kể đến 3 vai trò chính gồm:

Thứ nhất, trong giai đoạn vừa phục hồi kinh tế vừa kiểm soát dịch bệnh hiện nay, TCTD vẫn là nhu cầu quan trọng của người dân, đặc biệt là phân khúc khách hàng nhỏ lẻ, dưới chuẩn, không thể tiếp cận được nguồn tín dụng ngân hàng; Thứ hai, TCTD có vai trò quan trọng trong việc góp phần đẩy lùi tín dụng đen; Thứ ba, góp phần vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện qua 3 phương diện: Phát triển TCTD là cơ sở để tăng sức mua, kích thích tiêu dùng, nhất là giai đoạn sau dịch bệnh; từ đó, thúc đẩy sản xuất và cuối cùng là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; Góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam khi TCTD tập trung vào phân khách hàng dưới chuẩn, nhỏ lẻ, khó tiếp cận tín dụng ngân hàng; Thị trường TCTD đã tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Đến hết năm 2019, ước tính các CTTC tạo ra khoảng 50.000 việc làm; trong đó, riêng 3 CTTC hàng đầu đang sở hữu khoảng 38.000 nhân viên.

Theo nghiên cứu của PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đối với nền kinh tế, sự phát triển của TCTD đã tạo động lực để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế thông qua gia tăng mức tiêu dùng của người dân và tác động tăng tổng cầu. TCTD đã góp phần rút ngắn chu kỳ sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa, đồng thời đảm bảo cho quá trình tái sản xuất diễn ra liên tục với quy mô ngày càng tăng. Thực tế ở nhiều nước cũng như ở Việt Nam trong thời gian qua, TCTD đã và đang trở thành một công cụ quan trọng để thúc đẩy tỷ trọng tiêu dùng trong GDP.

“Đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình thấp và không có tài sản thế chấp, TCTD đã mang lại khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, cơ hội cải thiện và nâng mức sống hoặc có thể thỏa mãn những nhu cầu tài chính cấp bách mà không bị vướng vào những "cạm bẫy tín dụng đen". Liên quan đến nhận định này còn có thể thấy rằng, TCTD chính là công cụ để phát triển tài chính toàn diện, một trong những trụ cột của tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới. TCTD mở ra các cơ hội cải thiện đời sống, sự công bằng và bình đẳng, do vậy tạo ra động lực thúc đẩy tất cả mọi người tham gia vào đời sống xã hội và quá trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực của toàn bộ nền kinh tế”, PGS. TS. Đặng Ngọc Đức phân tích.

Tài chính tiêu dùng sẽ sớm lấy lại được tốc độ tăng trưởng

Theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KHĐT, tiềm năng tăng trưởng của thị trường TCTD vẫn còn rất lớn, bởi tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam mới đạt khoảng 11,4%.

“Nền kinh tế khởi động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội là một cơ hội phục hồi tốt cho các doanh nghiệp, trong đó có cho ngành TCTD lấy lại được tốc độ tăng trưởng cao như đã từng đạt được. Chiều ngược lại, sự phát triển của lĩnh vực TCTD nói chung và các công ty TCTD nói riêng lại giúp nền kinh tế có thêm được nguồn vốn tín dụng hữu hiệu, giúp mở rộng tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất phát triển”, Thứ trưởng Bộ KHĐT nhấn mạnh.

Bàn thêm về cơ sở cho TCTD phát triển, TS. Cấn Văn Lực, triển vọng phục hồi, tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập của Việt Nam tương đối khả quan trong khi qui mô TCTD còn khiêm tốn; Chính phủ có 4 chính sách kích cầu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; nhu cầu, định hướng phát triển của nhiều tổ chức tín dụng về đẩy mạnh cho vay cá nhân; và văn hóa tiêu dùng, vay mượn của người dân ngày càng thay đổi.

Tuy nhiên, với vai trò và tiềm năng phát triển như vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các bên liên quan cần xem xét một số giải pháp để phát triển thị trường TCTD Việt Nam một cách lành mạnh, bền vững như: Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các CTTC; Nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Các công ty TCTD cũng cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường sau dịch bệnh; Tăng cường nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, qua đó tăng sức cạnh tranh so với các mô hình kinh doanh mới (Fintech, cho vay ngang hàng…); Tham gia đẩy mạnh giáo dục tài chính cho người tiêu dùng và thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng…

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN nhìn nhận, để tái khởi động nền kinh tế, thúc đẩy TCTD phát triển, cần khẩn trương chi hỗ trợ 62 ngàn tỷ cứu trợ người mất việc, nghèo khó duy trì cuộc sống; giải ngân gói 16 ngàn tỷ đồng 0% lãi suất từ VBSP đối với doanh nghiệp để trả lương; Bên cạnh đó, cần “kích cầu tạo việc làm có thu nhập từ chi tiêu công 700 ngàn tỷ đồng (nút thắt chính là thủ tục hành chính); cho vay tiêu dùng với món nhỏ, lãi suất hợp lý, thời gian trả nợ cần kéo dài hơn so trước kia; Đặc biệt, cần tăng cường giáo dục tài chính cá nhân cho người lao động là yêu cầu ko thể thiếu; Công bố điểm tín dụng cá nhân cho bản thân họ; tích hợp các yếu tố tính điểm chuẩn để gia tăng trách nhiệm người vay không vay bằng mọi giá; Chấn chỉnh hoạt động cho vay cầm đồ; Xử lý tôi cho vay nặng lãi; Bắt buộc gỡ các App cho vay bất hợp pháp, truy tìm xử lý loại công ty ma này…

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhận định, một trong những lợi thế lớn nhất của cho vay tiêu dùng đó là quy mô khách hàng lớn, giá trị các khoản vay nhỏ do đó rủi ro của một nhóm khách hàng có thể được bù đắp bởi rủi ro của các nhóm khách hàng khác. Tuy nhiên, rủi ro từ dịch covid-19 có tác động đồng loạt lên tất cả các nhóm khách hàng, ảnh hưởng đến nhu cầu cho vay tiêu dùng. Bên cạnh đó, có trường hợp những người đi vay tiêu dùng có khả năng trả nợ nhưng nhân dịp có lý do tác động của dịch Covid-19 tìm cách giãn nợ, hoãn nợ… Điều này làm cho tác động của dịch covid-19 đối với các doanh nghiệp cho vay tiêu dùng sẽ lớn hơn.

“Các giải pháp từ phía NHNN cho phép các tổ chức cho vay tiêu dùng duy trì được khách hàng và hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn; đồng thời, các TCTD cũng có thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ của NHNN để giảm chi phí vốn huy động trong thời kỳ dịch bệnh. Những hỗ trợ này của NHNN là nỗ lực rất lớn từ phía cơ quan quản lý Nhà nước nhưng do tác động của dịch bệnh là rất lớn, do đó các tổ chức cho vay tiêu dùng phải sẵn sàng với các kịch bản xấu để đảm bảo tồn tại trong giai đoạn dịch và từng bước phục hồi khi dịch được kiểm soát cả trong nước và ngoài nước”, ông Tú Anh nhận định.

Chia sẻ với quan điểm này, ông Nguyễn Thành Phúc nhận định, dự kiến sau khi dịch bệnh chấm dứt, nhu cầu vay vốn của khách hàng sẽ tăng cao nhưng khả năng trả nợ sẽ giảm vì ảnh hưởng của COVID-19 đến thu nhập của họ.

“Chúng tôi duy trì quan điểm thận trọng hơn trong việc lựa chọn khách hàng và công tác thẩm định hồ sơ đề nghị cấp tín dụng. Do đó, sẽ tiếp tục minh bạch thông tin từ thông tin khoản vay, lãi suất, quá trình thanh toán… Đẩy mạnh đầu tư công nghệ, nâng cấp dịch vụ, sáng tạo sản phẩm mới là cơ sở để tạo sự khác biệt và tăng độ nhận biết trong mắt khách hàng. Ðây cũng chính là các giải pháp giúp cải thiện quy trình nghiệp vụ, nhằm rút ngắn khoảng cách khi đưa dịch vụ tài chính tới khách hàng nhanh hơn, thuận tiện và hiệu quả hơn; giảm tới mức thấp nhất hoặc loại bỏ sai sót do yếu tố con người, thất thoát dữ liệu và tăng cường hiệu quả của toàn bộ hệ thống cho vay.

Ngoài ra, đại diện FE CREDIT cho rằng, yếu tố quan trọng không kém là các khách hàng cần cân nhắc kỹ càng về mục đích vay, khả năng trả nợ của bản thân trước khi quyết định vay vốn; Lựa chọn các tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay uy tín; Nên tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng về khoản vay, số tiền lãi, số tiền cần trả hàng tháng và các quy định về nợ quá hạn; Không nên cho mượn, trao đổi, ký gửi giấy tờ tùy thân đến người khác hoặc qua các ứng dụng điện tử như Facebook, Zalo… hoặc khai báo các thông tin cá nhận trên các trang điện tử không chính thống để tránh việc bị lộ thông tin hoặc lừa đảo nhằm trục lợi khoản vay gây hiểu nhầm giữa khách hàng với các CTTC.