Tai nạn trẻ rơi ngã tại các tòa nhà chung cư: Ai chịu trách nhiệm?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt cái chết thương tâm của những trẻ nhỏ do bị rơi xuống từ ban công, cửa sổ của các căn hộ chung cư khiến người dân hoang mang, lo sợ. Đây có đơn giản chỉ do một phút bất cẩn của những người làm cha mẹ?

“Lỗ hổng” ở lan can, ban công

Hồi giữa tháng 7/2016, tại tòa nhà Rainbow khu Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), một bé trai 6 tuổi đã rơi từ tầng 11 xuống mái tầng 2 tử vong. Thời điểm xảy ra tai nạn, cháu bé ở nhà một mình. Theo quan sát, các cửa lô gia được thiết kế bằng lan can sắt có độ cao trên 1m, bên cạnh là ban công có kính lùa. Để đảm bảo an toàn, nhiều gia đình phải gia cố thêm thanh chắn bằng sắt tại cửa sổ và thêm dây dù hoặc bạt che.

 Nhiều căn hộ chung cư khu Linh Đàm (quận Hoàng Mai) chưa lắp thêm hệ thống lưới bảo vệ ở ban công,  song sắt ở cửa sổ.             Ảnh: Đức Trần

Bán đảo Linh Đàm là nơi từng xảy ra nhiều vụ trẻ em ngã từ ban công, lan can tầng cao xuống đất. Tháng 8/2015, tại tòa NA4, một bé trai khoảng 8 tuổi rơi từ ban công tầng 10 xuyên qua mái tôn của quán café ở tầng 1, nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Đối với ban công, cửa sổ chưa đảm bảo an toàn, nếu chủ đầu tư không thực hiện lắp đặt, phải có khuyến cáo đối với chủ căn hộ. Đây là sản phẩm nguy hiểm, người mua nhà phải hỏi chủ đầu tư, nếu họ cho rằng vấn đề này do thiết kế, phải hỏi người thiết kế căn hộ chung cư, nếu người thiết kế cho rằng vấn đề này thuộc về quy phạm, phải hỏi đến người làm quy phạm. Các sở, ngành xây dựng, quy hoạch kiến trúc phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Trước đó, tháng 6/2013, người dân sống tại chung cư No 9B phát hiện thi thể một bé gái 4 tuổi tại ô văng tầng 2 của khu nhà. Nhiều khả năng, cháu bé rơi từ tầng 11 xuống. Xót xa hơn, chính tại tòa nhà No 9B từng xảy ra vụ tai nạn đau lòng trước đó vài năm khiến một cháu bé bị tử vong.

Tại nhiều khu chung cư ở quận Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàng Mai cũng từng xảy ra những vụ tai nạn tương tự. Cách đây một năm, tháng 11/2015, tại chung cư CT2 Xuân Đỉnh cao 25 tầng (quận Bắc Từ Liêm), một bé trai 5 tuổi đã rơi từ tầng 22 xuống đất, được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch...

Không nên để trẻ nhỏ ở nhà một mình

Sự chủ quan, lơi là của người lớn có thể là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới các trường hợp đáng tiếc trên. Tuy nhiên, gia đình các cháu có phải chịu hoàn toàn trách nhiệm?

Theo quan sát, phần lớn các căn hộ chung cư được chủ đầu tư bàn giao không đảm bảo an toàn. Phần lan can, ban công của nhiều khu nhà cao tầng không được che chắn; hệ thống cửa sổ không có phần chấn song sắt, nếu trẻ nhỏ lại gần rất nguy hiểm. Anh Trần Văn Trí, nhà ở chung cư Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: "Khi nhận bàn giao căn hộ, chúng tôi phải bỏ tiền túi lắp thêm hệ thống bảo vệ bằng lưới ở ban công và phần chấn song sắt ở cửa sổ. Tuy nhiên, cũng có những gia đình chưa làm dù chung cư được đưa vào sử dụng gần 4 năm".

Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, bố mẹ không nên để trẻ nhỏ ở nhà một mình, nhất là trong điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo an toàn. Các cháu nhỏ hiếu động, chưa có kinh nghiệm sống, trong khi các mối nguy hiểm rình rập xung quanh. Thậm chí, ở nhiều nước không cho phép cha mẹ để con ở độ tuổi tiểu học ở nhà một mình. Bên cạnh việc luôn cố gắng đảm bảo an toàn cho con, phụ huynh cần dạy trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình.

Cấp thiết có giải pháp

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng không đảm bảo an toàn ở các chung cư cao tầng. Thứ nhất, chủ đầu tư xây dựng và người mua nhà chưa quen với văn hóa chung cư cao tầng. Phần lớn người mua căn hộ chung cư là các cặp vợ chồng trẻ, có con nhỏ, nên các chủ đầu tư phải đưa ra giải pháp trong thiết kế nhằm đảm bảo an toàn cho các cháu. Thứ hai, chủ nhà cũng chưa quen với văn hóa chung cư nên cũng không nghĩ đến trường hợp trẻ con có thể leo trèo nghịch ngợm ở ban công, cửa sổ. Đây còn liên quan đến nhiều vấn đề an toàn khi sinh sống trong nhà chung cư chưa được quan tâm đúng mức, về mặt thiết kế và về mặt người sử dụng.

“Vì vậy, khi đã phát hiện ra tình trạng này rồi, cần phải đẩy vấn đề này lên mức độ cấp thiết nhằm có những giải pháp ngay lập tức đối với các chung cư đang được thiết kế, xây dựng. Ngoài ra, khi bàn giao căn hộ, phải có mặt đầy đủ đại diện các cơ quan quản lý, xem căn hộ đó đã đảm bảo an toàn hay chưa” - ông Võ đề xuất.

Trong khi đó, KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng, quá trình thiết kế và thẩm định căn hộ chung cư phải chặt chẽ hơn đối với những quy chuẩn, tiêu chuẩn, và người thẩm định phải có “tính người”. Đối với việc chủ đầu tư thiết kế ban công, cửa sổ, lan can không có rào chắn hoặc không đạt tiêu chuẩn, cần phải xem lại bản thiết kế đó, và trong quá trình thi công, giám sát thi công, việc cho phép đưa căn hộ vào sử dụng thế nào.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần