Chúng ta cần xác định việc quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước sẽ giúp thích ứng tốt hơn và giảm thiểu các thiệt hại của biến đổi khí hậu. Sử dụng nước hợp lý thông qua các phương án điều tiết nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, tăng cường tái sử dụng nước thải, trữ nước mưa hiệu quả sẽ giúp chống lại hạn hán, lũ lụt và ô nhiễm nguồn nước; quản lý và bảo vệ tốt các vùng đất ngập nước với các hệ sinh thái tự nhiên sẽ giúp tăng hấp thụ các-bon và giảm thiểu sức tàn phá của thiên tai; áp dụng các công nghệ tưới tiết kiệm, hiện đại trong nông nghiệp sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu thiệt hại do thiếu nước… Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành |
Tất cả các Bộ có vai trò trong quản lý tài nguyên nước như Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng… đều phải làm tốt hơn nữa vai trò của mình. Cố gắng có sự phối hợp thật chặt chẽ, sự liên kết giữa T.Ư và địa phương để giữ được tối đa những nguồn nước vào được nội địa, ví dụ làm các hồ chứa, bảo vệ các thủy vực và hạn chế tối đa sự ô nhiễm nguồn nước. Với tình hình hiện nay, nền kinh tế có thể mất đến 3,5% GDP nếu không đảm bảo về nguồn nước. Đó là con số khủng khiếp nếu so với tốc độ tăng trưởng chung 6 - 7% hiện nay. Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam - PGS.TS Trương Mạnh Tiến |
Tài nguyên nước: Nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm
Kinhtedothi - Mặc dù, có mạng lưới sông ngòi dày đặc và có nhiều ao hồ, nhưng Việt Nam vẫn là một quốc gia rơi vào tình trạng thiếu nước. Số liệu thống kê của Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA) cho thấy, nguồn nước nội địa của Việt Nam đạt trung bình kém, ở mức 3.840m3/người/năm thấp hơn 400m3/người/năm so với mức bình quân toàn cầu. Trong khi đó, dự báo lượng nước bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ còn một nửa con số vừa nêu đến năm 2025.
Ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước đang là chuyện “nhãn tiền” ở khắp nơi và ngày một nghiêm trọng, lan rộng hơn, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và sản xuất. “Thủ phạm” gây ô nhiễm, được nhận định chính là nguồn nước thải khổng lồ chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu không ngừng đổ vào các sông, hồ từ các đô thị, cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, làng nghề, bệnh viện, từ khai thác khoáng sản…
Tiềm ẩn những nguy cơ
Theo ước tính, trung bình một người ở các nước phát triển sử dụng 500 - 800 lít/ngày so với 60 - 150 lít/người/ngày ở các nước đang phát triển. Hiện nay, các TP lớn, nhất là ngay tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhiều nơi vẫn đang thiếu nước sạch sinh hoạt. Nguồn nước ngầm đang bị khai thác không thể kiểm soát.
Số liệu thống kê từ Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho thấy, đến hết tháng 3/2020, cả nước hiện có 44/55 tỉnh có xã thiếu nước hoặc có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt; 11/55 tỉnh không xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Có khoảng 1.059 xã đang trong tình trạng thiếu nước và có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới (chiếm 10% tổng số xã trên cả nước).
Nguyên nhân chủ yếu là không có công trình lấy nước tập trung (các xã ở vùng núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên); nguồn nước bị nhiễm mặn tại các tỉnh ven biển và tình hình xâm nhập mặn trên diện rộng tại ĐBSCL.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục quản lý Môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, không thể phủ nhận những nỗ lực rất lớn của Chính phủ và Nhân dân trong những năm qua đã đạt được mục tiêu Thiên niên kỷ về nước sạch.
Đến năm 2019, ở nước ta đã có trên 86% dân cư đô thị có nước sạch và trên 90% dân cư nông thôn có nước sinh hoạt trong đó có 43% đạt tiêu chuẩn nước sạch. Tuy nhiên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm chất thải từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thể thao giải trí và nạn phá rừng Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch vừa suy giảm chất lượng.
“Tại Hà Nội, nguồn nước ngầm cũng có nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm. Một số nguồn nước ngầm bị ô nhiễm a sen, amonia. Nguồn nước lấy từ sông Đà cũng có nguy cơ cao ô nhiễm từ thượng nguồn do Nhân dân dùng hóa chất trừ sâu trong nông nghiệp hoặc do các nguồn ô nhiễm khác, điển hình là vụ ô nhiễm styren năm 2019.
Các vùng ngoại thành Hà Nội do nhiều nơi phát triển làng nghề thiếu quy hoạch nên không còn nguồn nước ăn uống do ô nhiễm. Lưu vực sông Hồng, sông Cầu cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do các nguồn chất thải công nghiệp, nông nghiệp trên thượng nguồn. Các sân gôn, các khu du lịch, resort đang phát triển cũng là những nguồn ô nhiễm nước rất quan trọng. Nếu không có các đối sách phù hợp thì trong 20 năm tới Việt Nam sẽ thiếu nước sạch trầm trọng” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định.
Lời giải nào cho bài toán từ thiên nhiên?
Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nghiêm trọng làm thay đổi chế độ khí tượng thủy văn dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng thường xuyên và khó dự đoán, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm. Theo số liệu thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) năm 2019, hiện nay có khoảng 2.2 tỷ người - cứ 3 người thì có 1 người không có nước uống hợp vệ sinh và an toàn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia cũng như cơ quan chức năng, mối liên hệ khăng khít giữa tài nguyên nước và biến đổi khí hậu hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, vì có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh rằng, những thập kỷ gần đây biến đổi khí hậu đang làm tăng cường độ và tần suất của hiện tượng cực đoan liên quan đến tài nguyên nước. Biến đổi khí hậu được “nhìn thấy” trước tiên không phải bằng các thay đổi về khí hậu mà là các thay đổi về tài nguyên nước.
Các chuyên gia cũng cho rằng, các biện pháp khai thác, sử dụng tài nguyên nước bền vững và bảo vệ tài nguyên nước giúp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng, chung tay kiểm soát nguồn nước của cộng đồng là rất quan trọng.
“Nếu tất cả chúng ta cùng tập trung suy nghĩ về vấn đề ô nhiễm nước, 5 năm ta thay đổi một chút, 10 năm ta thay đổi 1 chút thì 20 năm sau chúng ta mới có cơ hội có nước sạch để dùng. Chúng ta hãy nghĩ rằng đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân, không của riêng ai. Nếu giải quyết được ô nhiễm nước sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề khác đi kèm” - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, bà Nguyễn Ngọc Lý, nhìn nhận.
Dưới góc nhìn của người từng làm quản lý, để hạn chế những rủi ro về khan hiếm nước sạch, ảnh hưởng tới đời sống của người dân, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm bảo vệ nguồn nước, đảm bảo cấp nước an toàn theo Quyết định số 1566/QĐ-TTg năm 2016 về đảm bảo cấp nước an toàn đến năm 2025. Đồng thời có chính sách hạn chế ô nhiễm nguồn nước cho ăn uống, sinh hoạt; có chính sách tiết kiệm sử dụng nguồn nước.
“Đặc biệt, chúng ta cần đẩy mạnh phát triển công nghệ làm sạch nước, ngọt hóa nước mặn, sử dụng nước mưa. Và thực hiện xử phạt nặng những vi phạm làm ô nhiễm nguồn nước” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.