Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái phát “bệnh” lạm dụng lễ hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông thường mùa Hè không phải mùa của lễ hội, nhưng trong tháng 5 này, hàng chục nghìn người vẫn kéo nhau đến tham dự các sự kiện được "gắn mác" lễ hội như: Lễ hội hoa Tử Đằng, Lễ hội sinh vật cảnh, Lễ hội hái mận Mộc Châu (Sơn La)…

Giá trị bị đánh đồng

Giữ vai trò đơn vị định hướng và quản lý các hoạt động của lễ hội thuộc ngành văn hóa, bà Trịnh Thị Thủy – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) cho rằng: “Nhiều đơn vị đang lạm dụng tên gọi lễ hội. Thực chất, những lễ hội mới này không phản ánh đúng bản chất của một lễ hội là đáp ứng nhu cầu chính đáng của đông đảo người dân, chủ yếu là hoạt động quảng bá hình thức kinh doanh”. Đơn cử, Lễ hội hoa Tử đằng diễn ra tại trung tâm thương mại ở Long Biên, Hà Nội khó có thể gọi là lễ hội, khi ở đó không có phần nghi lễ cũng như các hoạt động trình diễn văn hóa. Đó là chưa kể, hàng nghìn bạn trẻ náo nức kéo đến chụp ảnh hoa tại lễ hội, nhưng tỏ rõ sự thất vọng khi phải ngắm những bông hoa tử đằng bằng nhựa. Theo tìm hiểu của phóng viên, Lễ hội hoa Tử Đằng diễn ra tự phát, chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý văn hóa Hà Nội.
Người dân tham quan Lễ hội hoa Tử Đằng.
Người dân tham quan Lễ hội hoa Tử Đằng.
Khác với Lễ hội hoa Tử Đằng, cũng là lễ hội mới nhưng Lễ hội sinh vật cảnh và Lễ hội hái mận Mộc Châu lại nhận được sự đồng thuận của Sở VH&TT Hà Nội và Sở VHTT&DL Sơn La. Theo lý giải của lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa của Sở VHTT&DL Sơn La, những lễ hội này có đủ nghi thức của một lễ hội là phần lễ và phần hội. Nếu như phần lễ của lễ hội dân gian là thờ cúng, thì ở các lễ hội mới là khai mạc, cắt băng khánh thành… Phần hội bao gồm: Thi chim, thi hái mận, thi ăn quả, đêm nhạc nghệ thuật… Theo PGS.TS Bùi Quang Thắng - Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam: “Chính những lễ hội mới phát sinh góp phần đánh đồng cách suy nghĩ lễ hội đang bị biến dạng, mất đi bản sắc và kém hấp dẫn. Trong khi đó, đại đa số các lễ hội truyền thống ở các làng quê, nơi lưu giữ bản sắc văn hóa Việt, đang được bảo lưu một cách nghèo nàn, na ná nhau, không được đầu tư và chú ý”.

Lỗi tại phân cấp?

Cách đây mấy năm, Bộ VHTT&DL đưa ra con số thống kê một năm cả nước có hơn 8.000 lễ hội, khiến dư luận một phen mổ xẻ giữa những lễ hội đảm trách nhiệm vụ gìn giữ giá trị văn hóa và lễ hội cổ vũ nhiều cho xu hướng ăn chơi của người Việt. Sau thời gian đó, Bộ đã yêu cầu Cục Văn hóa cơ sở đề xuất các biện pháp chấn chỉnh “lạm phát” của lễ hội. Thế nhưng, khi những biện pháp đưa ra chưa giúp giảm được con số 8.000 thì hàng năm, rất nhiều lễ hội mới được cấp phép. Và từ đó đến nay, chưa có đơn vị nào thống kê thực tế Việt Nam đã có bao nhiêu sự kiện mang tên lễ hội.

Mặc dù, không mong muốn lễ hội vốn là nơi sinh hoạt văn hóa bị lạm dụng để xúc tiến, quảng bá kinh doanh du lịch, nhưng bà Trịnh Thị Thủy cho rằng: “Bộ VHTT&DL đã phân cấp quản lý, cấp phép lễ hội cho Sở VH&TT các tỉnh, nên việc quản lý từng lễ hội không thuộc thẩm quyền của Cục. Chúng tôi chỉ có thể khuyến cáo các địa phương hạn chế cấp phép lễ hội mới, nên dùng những danh từ thay thế những Ngày hội thay cho Lễ hội, để giảm tránh sự hiểu lầm không đáng có”.

Nói như vậy, chỉ có thể chờ "bệnh" lạm dụng lễ hội bùng phát thành dịch, để dư luận xã hội lên tiếng, Bộ VHTT&DL mới lại tìm cách ngăn ngừa. Nếu thế, thành ra quá muộn.