Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái phát nạn xe “rùa bò” và bến cóc: Phải quy trách nhiệm rõ ràng

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, toàn TP hiện có khoảng 83 điểm xe dù, xe “rùa bò”, bến cóc.

Mặc dù đã xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm, nhưng có vẻ như lực lượng chức năng TP vẫn chưa có "thuốc đặc trị" ngăn ngừa hiện tượng này tái phát.
Do cả khách quan và chủ quan

Khi nhắc đến xe “rùa bò”, xe dù, bến cóc, ngay lập tức người ta liên tưởng đến hình ảnh hàng chục chiếc xe khách liên tỉnh nối đuôi lê lết trên đoạn từ điểm mở Đình Thôn, đường Phạm Hùng, cho đến đầu đường Hoàng Quốc Việt. Hay những điểm đón trả khách ngang nhiên, nhộn nhịp tại các nút giao trọng yếu như: Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long; Kim Đồng - Giải Phóng… Hiện tượng này đã được mổ xẻ, phản ánh rất nhiều, lực lượng chức năng cũng đã vào cuộc với hàng loạt chương trình, kế hoạch liên tục qua nhiều năm tháng. Thế nhưng, xe dù, bến cóc, xe “rùa bò” vẫn tồn tại, dập tắt lại bùng lên, dai dẳng như một căn bệnh trầm kha đeo bám Hà Nội.

Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra lái xe khách dừng đỗ, đón khách sai quy định tại khu vực gần Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Phạm Hùng

Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải cho biết: “Thực tế là chúng tôi đã rất nỗ lực nhưng còn nhiều nguyên nhân khách quan khiến hiện tượng xe “rùa bò”, bến cóc vẫn tái diễn ở một số nơi”. Chia sẻ quan điểm của ông Hải, chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhìn nhận, không thể quy trách nhiệm cho một đơn vị hay lực lượng riêng lẻ nào. Đơn cử như trục đường Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng, thường xuyên có từ 3 - 5 chốt trực của CSGT, lại có lực lượng Cảnh sát trật tự của 2 quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy tuần tra, kiểm soát, nhưng xe “rùa bò”, dừng đón khách, bốc hàng vẫn nối đuôi nhau thành đoàn hàng ngày.

Theo các chuyên gia, có 4 nguyên nhân chính khiến hiệu quả xử lý xe “rùa bò”, bến cóc không được như mong muốn. Thứ nhất là môi trường cạnh tranh không lành mạnh do sự xuất hiện của xe khách “trá hình”, đội lốt xe hợp đồng nhưng luồn sâu vào trung tâm TP, hoạt động như xe khách liên tỉnh, đẩy xe tuyến cố định vào cảnh phải “vơ bèo vạt tép”, bất chấp các quy định. Thứ hai là vẫn còn một bộ phận cán bộ, chiến sĩ chuyên trách chưa thực sự làm việc, ngó lơ vi phạm. Thứ ba là các chế tài xử phạt còn chưa đủ mạnh mẽ, chưa khiến chủ xe vi phạm biết sợ mà chừa. Thứ tư là việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan, địa phương liên quan để tái diễn xe “rùa bò”, bến cóc chưa nghiêm túc, chưa làm thực mà mới chỉ mang tính hình thức.

Cần giải pháp tình thế ngay lập tức

Anh Phan Thuận (Nam Định) cho biết: “Dù hiểu rằng việc không vào bến mà đón xe khách trên đường là không đúng, gây cản trở giao thông, nhưng vì tiện lợi, nên tôi vẫn đón. Hơn nữa có xe dừng đón thì tôi mới lên được chứ, đâu phải lỗi riêng tôi”. Câu trả lời này thể hiện một thực tế rằng, nhiều người dân ưu tiên chọn sự tiện lợi; muốn thay đổi tư duy của họ không thể chỉ trông chờ vào những biện pháp tuyên truyền đơn thuần và có thể sẽ phải mất rất nhiều thời gian nữa mới thành công.

Bộ GTVT cũng đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô nhằm xóa bỏ nạn xe khách “trá hình”, siết chặt cơ chế quản lý với xe khách. Tuy nhiên, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng: “Chưa thể biết chính xác khi nào Nghị định mới ra đời và liệu có thể đem lại hiệu quả ngay không. Trước mắt, Hà Nội đang phải đối diện với sức ép UTGT, mất trật tự, ATGT trên nhiều tuyến đường do xe “rùa bò”, bến cóc. Nước xa chưa cứu được lửa gần. Cần phải có những giải pháp mang tính tình thế ngay lập tức”.

Hà Nội là một đô thị đặc thù, được Chính phủ tạo điều kiện tối đa về cơ chế, chính sách. Vì thế, theo các chuyên gia, TP có thể chủ động xây dựng và xin ý kiến Chính phủ cho áp dụng các mức phạt trong lĩnh vực vận tải khách nặng hơn gấp nhiều lần quy định chung của cả nước. Và quan trọng hơn nữa, để công tác xử lý vi phạm thực sự hiệu quả, chữa trị dứt điểm căn bệnh xe “rùa bò”, bến cóc, chính quyền TP cần giám sát, xử lý nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, địa phương liên quan để tái diễn vi phạm. “Quy trách nhiệm một cách rõ ràng, sòng phẳng cho người đứng đầu các cơ quan, địa phương liên quan là biện pháp hữu hiệu nhất trong thời điểm này” - ông Thắng nhận định.
9 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã xử lý gần 6.800 trường hợp xe khách vi phạm các quy định về vận tải, phạt tiền đến hơn 8 tỷ đồng.