Tại sao có con số 500 triệu USD bồi thường vụ cá chết của Formosa?

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân, thủ phậm gây cá chết hàng loạt, phóng viên hãng thông tấn Nikkei đặt câu hỏi xung quanh số tiền 500 triệu USD mà Formosa bồi thường trong sự việc này.

Chiều 30/6, đã diễn ra cuộc họp báo Chính phủ chuyên đề, tập trung vào hai nội dung chính: Thông tin về các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và công bố kết luận về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết tại 4 tỉnh ven biển miền Trung vừa qua.

Tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng công bố Formosa gây ra sự cố môi trường biển, khiến cá chết tại một số tỉnh miền Trung và Formosa cam kết bồi thường 500 triệu USD khắc phục hậu quả. 

Sau phần thông tin trên, các phóng viên đặt câu hỏi đến các vị cá chết chủ trì họp báo. Báo Kinh tế & Đô thị lược ghi lại nội dung phần hỏi đáp:

Thông tấn xã Việt Nam: Chính phủ có cân nhắc việc đề xuất với Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIV về việc sửa đổi, bổ sung pháp luật, các quy định hiện hành liên quan đến tiêu chuẩn môi trường đối với các doanh nghiệp hiện nay không?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Quy chuẩn về môi trường Việt Nam là văn bản dưới luật, nên việc Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua quy chuẩn là không đúng với thẩm quyền của Quốc hội. Tới đây, Chính phủ sẽ không đề xuất với Quốc hội ban hành văn bản quy chuẩn về tiêu chuẩn môi trường.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: Công Thọ
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: Công Thọ
Báo Infonet: Có thông tin cho rằng ngăn cản không cho báo chí đưa tin? Có hay không việc giấu thông tin với nhân dân?

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn:Thực tế cho thấy, đầu tháng 4, sau khi sự cố xảy ra, báo chí trong và ngoài nước đã đưa tin rất nhiều. Báo chí Việt Nam đã thông tin nhiều chiều, tần suất dày đặc về tình trạng cá chết hàng loạt. Đảng, Nhà nước không hề có chủ trương che giấu thông tin. Không chỉ người dân cần biết sự thật mà Đảng, Nhà nước cũng cần biết sự thật; yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc. Tuy nhiên, sau một thời gian, đối với báo chí trong nước, để tạo thuận lợi cho các cơ quan điều tra, chúng tôi đã đề nghị các cơ quan truyền thông thực hiện theo đúng Luật Báo chí, giảm liều lượng, không suy diễn, quy chụp để chờ kết luận của cơ quan điều tra. Việc này là cần thiết để tránh những thông tin suy diễn làm ảnh hưởng, gây trở ngại đến kết quả của công tác điều tra. Với những sự việc phức tạp và nghiêm trọng như cá chết hàng loạt vừa rồi, các nhà báo không đủ khả năng để tìm ra thủ phạm, điều tra của báo chí không thể thay thế điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học. Tuy nhiên nhìn chung, các cơ quan báo chí trong và ngoài nước đã thông tin kiph thời về sự cố này và đã có sự hỗ trợ đáng ghi nhận đối với các cơ quan điều tra để nhanh chóng xác định nguyên nhân, tìm ra thủ phạm.  

Báo Tuổi trẻ: Qua kết quả cho thấy Fomosa là doanh nghiệp gây ra sự việc hải sản chết vừa qua. Tôi xin hỏi việc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép xả thải cho FHS theo Tiêu chuẩn Việt Nam như thế nào và trách nhiệm giám sát của Bộ với sự việc xảy ra như thế nào?

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Tôi xin nói tiếp theo ý của Bộ trưởng Bộ TT&TT rằng nếu ta cung cấp thông tin hết thì chúng tôi sẽ không còn gì để đấu tranh pháp lý, tìm ra nguyên nhân nữa nữa.

Về cấp phép, việc cấp phép đối với FHS, nguồn nước thải bao gồm các nguồn: Nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải từ Cảng, nước thải từ sinh hóa, từ các xử lý cốc xuống. Như vậy việc đưa ra Tiêu chuẩn 52 là tiêu chuẩn đối với ngành công nghiệp gang thép kiểm soát 12 thông số.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về mặt quy chuẩn, theo Quy chuẩn quốc gia truyền thống thì có 2 quy chuẩn: Quy chuẩn 40 đối với nước thải công nghiệp. Trên thực tế Quy chuẩn 40 có kiểm soát nhiều thông số hơn. Còn Quy chuẩn 52 kiểm soát nước thải đối với ngành công nghiệp gang thép, ở mức chỉ kiểm soát 12 thông số, tức là yêu cầu thấp hơn một chút, một số thông số như sắt… là chưa kiểm soát.

Như vậy có thể nói, về mặt quy chuẩn, ngay từ đầu ta chưa tiên lượng được đối với các ngành công nghiệp gang thép. Với lượng nước thải lớn, cần phải tính toán xây dựng như thế nào cho hợp lý và phải bao quát được các thông số.

Nội dung thứ hai, trong lượng nước thải ra, nước thải bao gồm cả nước thải từ Cảng, dầu mỡ thì Quy chuẩn 52 không thể bao quát được. Như vậy phải áp dụng cả Quy chuẩn 40 và 52 mới đúng.

Ở đây có một mặt hạn chế về Quy chuẩn 52, mặt khác là cách áp dụng có thể nói là chưa sát với tình hình và ta chưa tiên lượng được các nguồn thải của FHS. Đây là một vấn đề.

Vấn đề thứ hai, về việc giám sát, trên thực tế giai đoạn vận hành, nguồn ta giám sát chặt chẽ nhất là nguồn nước thải sinh hóa từ sản xuất cốc. Nguồn đó bao gồm: xyanua, phenol và các kim loại nặng và nguồn này cần có hệ thống giám sát đạt tiêu chuẩn của Quy chuẩn 52 trước khi thải vào hệ thống chung. Nhưng trên thực tế mới trên giai đoạn thử nên khâu vận hành, giám sát, chưa có cơ quan nào vào giám sát khi hệ thống vận hành. Khi họ nói hệ thống đã vận hành ổn định thì cơ quan Nhà nước mới đến. Đây chính là lỗ hổng về mặt pháp luật trong quá trình thẩm định giai đoạn vận hành nên ta đã không kiểm soát được ngay từ đầu các chất nguy hiểm. Nguồn từ các trạm xử lý nước thải sinh hóa phải đáp ứng Quy chuẩn 52 thì mới được đưa vào nguồn nước thải chung.

Về hệ thống giám sát tự động, trên thực tế cũng chưa có cơ quan nào đến để thẩm định, đánh giá và hệ thống này chỉ quan trắc được 6 thông số còn các nguyên tố đặc biệt như: phenol, xyanua và sắt không quan trắc được. Đây là các vấn đề trong quá trình thử nghiệm đã tồn tại và pháp luật rõ ràng là đã có lỗ hổng nên không có sự giám sát của trung ương và địa phương trong quá trình lắp đặt và quá trình thử nghiệm.

Hãng thông tấn AP: Với vụ việc như thế này, các cơ quan  bảo vệ pháp luật có khởi tố vụ án để điều tra vụ án hình sự hay không?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Trước hết tôi rất hoan nghênh ý kiến của phóng viên AP của Mỹ tại Hà Nội. Các bạn biết khi có thông tin sự cố hải sản chết hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung thì các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam cũng có thái độ rất rõ ràng. Đó là quyết liệt chỉ đạo bằng được các cơ quan trong nước và yêu cầu có sự tham gia của các nhà khoa học ngoài nước. Trước hết tập trung đưa ra các biện pháp khắc phục ngay nhằm ổn định đời sống của ngư dân và nhân dân ven biển, ngay cả vấn đề quan tâm đến hỗ trợ lãi suất, việc làm, tổ chức thu mua toàn bộ hải sản mà ngư dân đánh bắt, công bố sớm vùng hải sản đánh bắt an toàn và cảnh báo, dự báo những vùng đánh bắt không an toàn để người dân biết, tránh không sử dụng hải sản không đạt tiêu chuẩn.

Việc đấu tranh để tìm ra thủ phạm gây xả thải ra môi trường vừa qua của Fomosa Hà Tĩnh là việc làm thể hiện thái độ rất cương quyết của Chính phủ Việt Nam. Quan điểm của Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam là xử lý nghiêm, không loại trừ bất cứ một cá nhân, tổ chức nào.

Tuy nhiên, các bạn biết, Việt Nam đang xây dựng một môi trường đầu tư để tạo hình ảnh Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và tham gia các nghị định thương mại và đang được các bạn bè quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao. Đó là ổn định chính trị, cải thiện môi trường đầu tư và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Việc kinh doanh, đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thành công chính là khẳng định môi trường đầu tư rất tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Fomosa Hà Tĩnh đã nhận lỗi trước Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam và đã đưa ra 5 cam kết trách nhiệm bồi thường và không tái diễn vụ việc tương tự. Ở Việt Nam chúng tôi có câu “Đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh người chạy lại”. Như vậy, tôi muốn nói rằng, Chính phủ Việt Nam luôn luôn có thái độ rất rõ là xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật của Việt Nam nhưng đồng thời có chính sách hết sức khoan hồng, độ lượng, để thấy rằng các nhà đầu tư nước ngoài có vi phạm nhưng nhận lỗi trước Nhà nước và nhân dân Việt Nam thì sẽ xem xét. Nếu như các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng pháp luật của Việt Nam thì pháp luật Việt Nam cũng bảo đảm cho các nhà đầu tư hoạt động đúng pháp luật và có hiệu quả, nhưng đồng thời cũng quy định rõ nếu vi phạm pháp luật thì xử lý nghiêm.

Việc nhận lỗi của Tập đoàn Fomosa Hà Tĩnh cũng đã thể hiện thái độ trước việc vi phạm trên. Cho nên việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì đây là việc Chính phủ Việt Nam sẽ cân nhắc. Nếu như nhà tư nhận lỗi trước nhân dân Việt Nam thì cũng mong rằng nhân dân Việt Nam có thái độ độ lượng và khoan hồng, thể hiện tấm lòng cao thượng của người dân Việt Nam.

Báo điện tử Dân Trí: Thực tế Formosa đã có rất nhiều tiền án gây ra với môi trường tại các nước mà DN này đầu tư. Vậy tại sao Formosa vẫn lọt vào Hà Tĩnh và dự án đầu tư của Việt Nam như thế? Tới đây quy trình thẩm định dự án thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam có gì thay đổi không?

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông: Tôi xin trả lời câu hỏi của phóng viên nêu ra. Thứ nhất chúng tôi có thể cung cấp cho các phóng viên về quá trình tham gia thẩm định dự án của Formosa vào năm 2008 như sau. Tại thời điểm đó, quy trình thẩm định dự án đầu tư nước ngoài và cấp phép đầu tư nước ngoài được tuân thủ theo Nghị định 108 hướng dẫn chi tiết về thực hiện Luật Đầu tư năm 2005. Theo quy định đó, thời điểm đó chúng ta đã phân cấp cho UBND tỉnh và các bộ, ngành liên quan của Trung ương có vai trò đóng góp ý kiến thẩm định. Chúng tôi nhận được ý kiến của UBND tỉnh Hà Tĩnh hỏi về dự án này và theo chức năng nhiệm vụ Bộ KH&ĐT đã có văn bản số 3871 ngày 29/5/2008 gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh góp ý về nhiều nội dung trong đó tôi xin đọc nội dung trích đúng nguyên văn của văn bản góp ý về phần môi trường như sau: “Phần đánh giá tác động môi trường của dự án còn sơ sài, chưa đề cập đến các yếu tố như nguồn gây tác động, đối tượng và quy mô bị tác động, đánh giá các tác động, biện pháp giảm thiểu tác động xấu, phòng ngừa sự cố môi trường. Đề nghị nhà đầu tư lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nhà nước xem xét phê duyệt theo quy định hiện hành”.

Vậy là chúng tôi có thể khẳng định rằng ngay thời điểm đóng góp ý kiến thẩm định cho UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án, chúng tôi đã có cảnh báo.

Về chính sách đầu tư của chúng ta có gì thay đổi sau sự cố này, chúng tôi xin khẳng định chính sách đầu tư của Chính phủ Việt Nam là nhất quán và bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, đúng các cam kết của chúng ta đưa ra với cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài.

Một sự kiện xảy ra là điều đáng tiếc và các cơ quan của Nhà nước, của Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm, coi đây là một bài học để rà soát theo từng chức năng nhiệm vụ của mình để bảo đảm việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.

Tôi xin nói lại, chính sách thu hút quản lý đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam gần đây nhất được thể hiện tại Nghị quyết số 103 của Chính phủ ngày 29/8/2013. Đây là nghị quyết được đưa ra sau hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và nghị quyết này đã đưa ra một số định hướng, trong đó định hướng chủ chốt là chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Tôi xin nhắc lại là thân thiện với môi trường. Đây là định hướng rất quan trọng trong Nghị quyết số 103 của Chính phủ. Ngoài ra các nội dung khác của Nghị quyết này quý vị có thể tham khảo trêm website của Bộ KH&ĐT.

Chúng tôi xin khẳng định định hướng thu hút của Chính phủ là không đánh đổi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá và không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư nước ngoài.

Phóng viên hãng Nikkei: Mức đền bù 500 triệu USD là cao, muốn biết tính toán thế nào, tại sao ra con số 500 triệu USD?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Tôi được biết Tập đoàn Formosa có cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản. Phải nói số đền bù chúng tôi đặt ra 500 triệu USD là rất nhỏ, vì ở đây mới tính thiệt hại kinh tế trực tiếp của người dân, thông qua sơ bộ đánh giá trực tiếp. Còn thiệt hại lớn hơn nhiều như tổn tương tâm lý, các hệ lụy khác. Ví dụ thiệt hại ở Minamata của Nhật Bản do một công ty Nhật xả thải gây ra các bạn nghĩ là bao nhiêu, vẫn chưa tính được.

Chúng tôi không cần thiết ở chỗ bao nhiêu mà yêu cầu Formosa và cổ đông tahy đổi công nghệ, không để xảy ra tình trạng như vậy, xử lý ô nhiễm môi trường, hỗ trợ người dân xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường. Kinh phí đó không phải lớn như ông nói.

Báo điện tử VnExpress: Trong quá trình nhà máy Formosa vận hành, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra việc xả thải của doanh nghiệp này như thế nào? Tỉnh đã có những kiến nghị gì? Sau khi xảy ra sự việc, trách nhiệm của địa phương trong việc doanh nghiệp xả thải ô nhiễm ra sao?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Khi sự cố nghiêm trọng xảy ra, trong điều kiện khó khăn như vậy, vì truyền thống văn hóa, nhân văn, lòng yêu nước, nhân dân các tỉnh miền Trung nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đã kiên trì chờ đợi câu trả lời nguyên nhân tại đâu và rất tin tưởng vào sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, tin tưởng vào các nhà khoa học sẽ tìm ra nguyên nhân. Hôm nay, tôi thấy Chính phủ tổ chức cuộc họp báo công bố nguyên nhân, lãnh đạo Tập đoàn Formosa công khai xin lỗi, phần nào đã giải tỏa được sự chờ đợi của nhân dân.  

Dự án Formosa là dự án lớn, được tất cả các bộ, ngành tham gia và nhiều việc vượt ra ngoài khả năng của Hà Tĩnh. Mặc dù vậy, trong quá trình kiểm tra, giám sát quản lý nhà nước trên địa bàn, Hà Tĩnh đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương. Hà Tĩnh đã giao trách nhiệm cho Ban quản lý dự án kinh tế, Sở TN&MT cùng các sở, ngành liên quan thường xuyên giám sát, kiểm tra, xử lý.

Trên thực tế Ban quản lý dự án kinh tế, Sở TN&MT, các sở đã có nhiều cuộc kiểm tra và đã có xử lý. Đặc biệt, khi có sự cố cá chết xảy ra, chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với các nhà khoa học, với các bộ, ngành Trung ương cung cấp các thông tin và yêu cầu sớm tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy trong quá trình vừa qua, vì khả năng có hạn, sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng chưa được thường xuyên và còn nhiều bất cập. Thông qua sự việc này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và tiếp tục xử lý những cá nhân giao nhiệm vụ mà chưa hoàn thiện…

Báo Người Lao động: Xin hỏi lãnh đạo Bộ Y tế hiện nay đánh giá mức độ an toàn của nước biển cũng như hải sản các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên-Huế và có khuyến cáo người dân thế nào đối với nước biển và hải sản của 4 tỉnh này?

Đại diện Bộ Y tế: Ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ Y tế đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc quản lý của Bộ, các Sở Y tế, cơ quan chuyên môn thuộc sở, thực hiện biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân. Trong đó chúng tôi tập trung chủ yếu cho việc xét nghiệm hải sản sống trong thời gian 3 tuần, liên tục làm hằng ngày, cập nhật thông tin cho các Sở Y tế để thông tin đến người dân, đăng tải trên các website của Bộ cũng như VTV.

Tất cả hải sản chúng tôi xét nghiệm đã có công bố rất minh bạch. Những hải sản đó bảo đảm chất lượng.

Các cơ quan của Bộ Y tế hiện nay đã triển khai các kế hoạch về giám sát, quan trắc môi trường, yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tại 4 tỉnh này. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các địa phương triển khai biện pháp cần thiết đối với cơ sở y tế giám sát sức khỏe người dân tại 4 tỉnh.

Đại diện Bộ NN&PTNT: Ngay từ đầu khi sự cố xảy ra, Bộ đã chỉ đạo 3 viện của Bộ cũng như các đơn vị liên quan lấy mẫu, giám sát, xác định vùng ảnh hưởng để tham mưu cho Chính phủ.

Ngay ngày 1/5/2016, tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp, đã đưa ra kết luận, chỉ đạo quan trọng là khoanh vùng ảnh hưởng. Chúng tôi đã tham mưu cho Thủ tướng chỉ đạo các vùng ảnh hưởng của 4 tỉnh tính từ bờ ra là 20 hải lý. Chúng tôi cũng chỉ đạo, đối với những vùng ảnh hưởng trong 20 hải lý tại 4 tỉnh, hơn 15.000 tàu khai thác dưới 90 CV của 4 tỉnh đều lấy mẫu giám sát hằng ngày, nếu phát hiện có hải sản nhiễm độc, ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm thì tiêu hủy và tham mưu với Chính phủ có chính sách hỗ trợ.

Vùng ngoài 20 hải lý ở 4 tỉnh này được xác định là vùng an toàn. Tổ chức xác nhận hải sản khai thác đối với loại tàu trên 90 CV, ở vùng ngoài 20 hải lý, ngay tại các bến cảng, bến cá để xác định đây là sản phẩm an toàn. Tuy nhiên để yên tâm, chúng tôi vẫn chỉ đạo cơ quan chức năng lấy mẫu tần suất 2 tới 3 ngày/lần. Nếu phát hiện thì cũng xử lý.

Với tinh thần như vậy, chúng tôi đã tham mưu với Chính phủ trong thời gian vừa qua và phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong vấn đề an toàn thực phẩm. 

Đối với nuôi trồng thủy sản, chúng tôi đã ra khuyến cáo trong thời gian chưa xác định rõ nguyên nhân mà nước lấy mẫu hằng ngày không an toàn thì không nên thả nuôi, kể cả nuôi biển cũng như lấy nước nuôi ven bờ. Khi lấy mẫu hằng ngày như vậy, nếu thấy nước an toàn thì khuyến cáo các địa phương có thể tổ chức cho lấy nước vào, nhưng qua ao lắng, quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và trước khi thả nuôi phải thử nghiệm. Đến nay, khẳng định nước biển lấy vào nuôi trong địa bàn 4 tỉnh này đã cơ bản an toàn. Tuy nhiên, bây giờ chưa xử lý hết được tồn dư, vẫn cần quan trắc lấy mẫu hằng ngày để phát hiện, xử lý, bảo đảm an toàn cho người dân.

Bộ liên tục cử các đoàn công tác vào bám sát các địa phương xử lý vấn đề này để nhân dân yên tâm sản xuất.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Sáng nay, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu rà soát lại toàn bộ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường áp dụng cho các doanh nghiệp và các loại hình hoạt động khác. Đối với trách nhiệm của cán bộ, công chức trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến sự cố này, dù ở cấp nào cũng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật tuỳ theo mức độ sai phạm của mình.

Một lần nữa, trân trọng cảm ơn các đại biểu, các vị Tuỳ viên của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các bạn phóng viên trong và ngoài nước đã đến tham dự Họp báo.