Tại sao đến giờ sách sử mới hấp dẫn?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Sử Việt - 12 khúc tráng ca", cuốn sách viết về lịch sử bỗng trở thành hiện tượng xuất bản đầu tuần qua khi bán hết 5.000 bản ngay ngày đầu ra mắt, đồng thời tái bản tiếp 5.000 bản tiếp theo. Điều đặc biệt, độc giả chọn mua sách là những người trẻ.

Những cuốn sách làm nên hiện tượng

"Sử Việt - 12 khúc tráng ca" gồm 12 khúc, tương ứng với 12 câu chuyện về các nhân vật trong tiến trình lịch sử dân tộc (thời kỳ phong kiến), 6 câu chuyện thời dựng nước và 6 câu chuyện về đấu tranh giữ nước. Không chỉ là những nhân vật đã rất nổi tiếng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…, tác giả còn nhắc đến những nhân vật hay những địa danh lịch sử ít được bạn đọc trẻ biết đến như Khúc Hạo, đầm Thị Nại, thành Bình Lỗ… Để thực hiện tác phẩm, tác giả trẻ Dũng Phan (Phan Trần Việt Dũng) đã dựa vào các tài liệu lịch sử chính thống như "Đại Nam thực lục", "Đại Việt sử ký toàn thư", "Đại Việt thông sử", "Hoàng Lê nhất thống chí", "Lam Sơn thực lục"…

Buổi giao lưu ra mắt ấn phẩm  “Sử Việt – 12 khúc tráng ca” giữa tác giả Dũng Phan và độc giả tại Hà Nội. Ảnh: Linh Anh

Cùng thời điểm với thành công của "Sử Việt - 12 khúc tráng ca" là một thành công cũng liên quan đến sách sử - cuốn "Lĩnh Nam chích quái", ấn bản có minh họa mới do Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng thực hiện. Tác phẩm đã từng được xuất bản nhiều năm trước, tập hợp các truyền thuyết và cổ tích dân gian Việt Nam được biên soạn vào khoảng cuối đời nhà Trần. Tái bản lần này, NXB Kim Đồng sử dụng một số lượng lớn tranh minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long để gây chú ý cho cuốn sách. Tác phẩm nhanh chóng thu hút sự quan tâm của bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ, nhờ tranh minh họa.

"Sử Việt – 12 khúc tráng ca" hay "Lĩnh Nam chích quái" vẫn là câu chuyện cũ nhưng đã thể hiện theo cách mới. Cuốn thì sử dụng cách viết, cách nhìn của một người trẻ, cuốn lại có thế mạnh ở nét vẽ minh họa. Thế nhưng, 2 cuốn sách đã làm nên hiện tượng bán chạy khi văn hóa đọc đang xuống dốc, đặc biệt là văn hóa đọc sử.

Kể câu chuyện lịch sử dung dị đời thường

Tác giả "Sử Việt - 12 khúc tráng ca" đã bật mí tại sao anh không tham vấn ý kiến của các nhà sử học khi thực hiện cuốn sách này. “Bởi vì tôi nghĩ rằng khoảng cách giữa 2 thế hệ sẽ có sự khác biệt. Tôi viết sử cho người trẻ đọc, nên khác với các bác” – Dũng Phan nhấn mạnh. Không giống những cuốn sách lịch sử truyền thống, ấn phẩm là 12 khúc tráng ca về 12 vị anh hùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, với lối viết dung dị không có những con số, những trận đánh mà là bản hùng ca về lịch sử, con người đất Việt thông qua các câu chuyện. Cuốn sách kể những câu chuyện dung dị đời thường của các nhân vật lịch sử như anh hùng Nguyễn Huệ, không nhận định, không đao to búa lớn. Việt Dũng nói rằng, những nhận định, cảm nhận đó, anh muốn dành cho người đọc. “Chúng ta luôn có thói quen là khi quan tâm đến lịch sử thường chỉ quan tâm đến chiến công nhiều hơn là số phận của nhân vật với những diễn biến tình cảm, tâm lý, những mối quan hệ đằng sau… Sử Việt - 12 khúc tráng ca" thành công là bởi vì xóa được đi thói quen đó” - nhà văn Phong Điệp nhận định.

Với "Lĩnh Nam chích quái", “Nếu bỏ phần chữ ta sẽ có một quyển sách bằng tranh, mà vẫn hiểu nội dung từng câu chuyện. Trong quan niệm văn học hiện đại, người dịch không chỉ chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mà còn tham gia vào quá trình sáng tạo. Họa sĩ Tạ Huy Long dường như đã tạo nên một văn bản mới, bằng ngôn ngữ hội họa” - TS Nguyễn Tô Lan - Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhận xét. Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu thì cho rằng: “Cùng với việc xây dựng một thế hệ phụ huynh giáo dục cho con em tình yêu lịch sử, cần có một đội ngũ viết sách sử cho đại chúng. Các NXB nên cố gắng khuyến khích người viết sách sử viết sao cho gần gũi, dễ hiểu”.

Nhiều NXB đang hy vọng trong tương lai sẽ không chỉ có một Phan Trần Việt Dũng, hay một ý tưởng tái bản hay như "Lĩnh Nam chích quái", mà còn có nhiều tác giả, ý tưởng để sách sử tiếp cận độc giả thời nay. Cho dù trong bên cạnh hiện tượng bán chạy vẫn có đôi chút băn khoăn về cách kiểm chứng cũng như sự thật trong mỗi câu chuyện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần