Thực tế này đòi hỏi Nhà nước cần thiết phải lập hàng rào kỹ thuật nhằm mục đích kiểm soát chất lượng, số lượng nhập khẩu cũng như tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.
Vì sao thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam?
Thông tin từ Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu 2,76 tỷ USD sắt thép các loại và sản phẩm, tăng 43,8% tương ứng tăng 842 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu đến 15/3, chi nhập sắt thép các loại và sản phẩm từ sắt thép đã vọt lên gần 3,6 tỷ USD, ước hết quý I/2024 sẽ vượt 4 tỷ USD. Riêng lượng sắt thép các loại nhập khẩu 2 tháng đầu năm đạt 2,65 triệu tấn với trị giá là 1,88 tỷ USD, tăng 85,4% về lượng và tăng 57% về trị giá so với 2 tháng đầu năm 2023.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép các loại từ thị trường Trung Quốc với trị giá đạt 1,72 tỷ USD, tăng 91,2% tương ứng tăng 818 triệu USD so với cùng kỳ và chiếm 62% trị giá nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm của cả nước. Với riêng sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), Việt Nam đã nhập 1,8 triệu tấn với trị giá trên 1 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 72% tổng sản lượng, tương ứng 1,4 triệu tấn.
Theo phản ánh nhiều DN thép Việt Nam, xu hướng nhập khẩu thép đang tăng trở lại trong những tháng đầu năm 2024, đặc biệt là thép từ Trung Quốc, đã đe dọa sản xuất trong nước. Điều đáng lo ngại là giá thép xuất khẩu của Trung Quốc và các quốc gia khác cung cấp cho Việt Nam đã giảm rõ rệt. Giá thép HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý I/2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý IV/2023. Điều này gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, có dấu hiệu bán phá giá, ảnh hưởng sản xuất trong nước. Mặt khác, trước sức ép từ thép nhập khẩu, DN lo ngại hoặc chần chừ trong việc mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, 2 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc xuất khẩu 15,9 triệu tấn thép, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất kể từ năm 2016. Do thị trường bất động sản khó khăn, nhiều lĩnh vực kinh tế trong nước khác phục hồi chậm dẫn đến dư cung thép. Dự báo, năm 2024, Trung Quốc có thể xuất khẩu trên 90 triệu tấn thép, mức cao nhất trong 7 năm, cao hơn nhiều so với con số xuất khẩu gần 80 triệu tấn của năm ngoái.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc gia tăng xuất khẩu thép ra bên ngoài là do tiêu thụ trong nước đang suy yếu. Động thái này của quốc gia sản xuất thép nhiều nhất trên thế giới đang khiến nhiều nước lo ngại về khả năng dư thừa nguồn cung toàn cầu.
Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, năm 2023, thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 8,3 triệu tấn, tương đương hơn 62% tổng lượng thép nhập khẩu. Tính riêng thép cán nóng có tới 70% lượng nhập khẩu là từ Trung Quốc.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay, xu hướng nhập khẩu thép Trung Quốc tăng mạnh vừa qua là xuất phát từ nguyên nhân kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản nguội lạnh khiến nhu cầu tiêu thụ sắt thép yếu. Khi đó Trung Quốc sẽ gia tăng xuất khẩu thép ra nước ngoài. Hiện, Trung Quốc chiếm hơn 1/2 sản thép của thế giới nên chỉ cần thay đổi chiến lược tăng xuất khẩu ra nước ngoài cũng gây nhiều áp lực lên các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Cấp thiết bảo vệ sản xuất trong nước
Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát Nguyễn Việt Thắng cho biết, Trung Quốc sản xuất chiếm hơn 50% sản lượng thép của thế giới. Những năm trước, kinh tế phát triển, lượng thép sản xuất của Trung Quốc có khối lượng lớn tiêu thụ trong nước, xuất khẩu với tỷ lệ ít hơn. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, tình hình kinh tế chùng xuống, bất động sản trì trệ nên lượng thép sản xuất dư thừa quá lớn, buộc đẩy mạnh xuất khẩu.
Cũng theo ông Nguyễn Việt Thắng, Hòa Phát vẫn đủ tự tin cạnh tranh được với thép Trung Quốc khi xét về cơ cấu nguyên liệu, giá bán. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng nhiều công ty thép Trung Quốc bán dưới giá thành, bán lỗ để đẩy mạnh lượng tiêu thụ nên chắc chắn biên độ lợi nhuận của Hòa Phát sẽ bị ảnh hưởng.
Dự báo từ năm 2024 - 2026, khó khăn vẫn chưa ngưng, nhiều DN bất động sản Trung Quốc ngấp nghé phá sản dẫn đến xu hướng xuất khẩu thép tiếp tục nóng. Các DN sản xuất thép trong nước cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cần có động thái, biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước.
Hiện, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) và Tập đoàn Hòa Phát đã nộp đơn đến Bộ Công Thương kiến nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Quy trình điều tra chống bán phá giá mất khoảng 12 - 18 tháng kể từ ngày Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng điều tra. DN cung cấp đầy đủ tất cả thông tin phạm vi sản phẩm điều tra, số liệu nhập khẩu và tình hình sản xuất, bán hàng nội địa.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng năng lực sản xuất của các DN thép trong nước hiện đạt khoảng 23 triệu tấn thép thô (phôi vuông, phôi dẹt). Năng lực sản xuất thép thành phẩm đạt khoảng 38,6 triệu tấn/năm, vượt nhu cầu sử dụng trong nước. Những lo ngại trước đà nhập khẩu thép là có cơ sở khi Việt Nam đang có nhiều DN quy mô trong ngành thép như Hòa Phát, Tôn Hoa Sen, Tôn Đông Á... sản xuất đa dạng sản phẩm từ thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, cán nguội, tôn mạ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong khi đó, chi phí đầu vào vẫn duy trì ở mức cao và có sự biến động liên quan đến việc tăng lãi suất vốn vay, thay đổi tỷ giá khiến hàng loạt DN lỗ nặng, hoặc chuyển hướng đầu tư sang ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, bất động sản, giáo dục, tài chính...
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nghiêm Xuân Đa phân tích, vấn đề là theo quy định của Việt Nam, thép được nhập khẩu đa phần được hưởng mức thuế 0%, trong khi thép Việt Nam xuất khẩu sang nhiều nước phải chịu thuế rất cao. Ví dụ, thép HRC của các nhà sản xuất Việt Nam bán vào thị trường Thái Lan chịu thuế hơn 42%. Hay thép cán nguội từ Việt Nam, sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, xuất khẩu vào Mỹ bị áp thuế hơn 450%, nhưng cũng sản phẩm này từ Trung Quốc vào Việt Nam chỉ phải chịu thuế chống bán phá giá dao động trong khoảng 4,4 - 25,2%...
Tiêu thụ và xuất khẩu của các DN thép trong nước sụt giảm, trong khi lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam vẫn ở mức cao, hưởng thuế 0% và không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào, theo các DN đây là điều nghịch lý. Đáng nói, các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã bị dỡ bỏ, các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, thép HRC, ống thép… đều không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào. Ông Nguyễn Xuân Đa cho rằng, cần thiết phải lập hàng rào kỹ thuật chất lượng nhằm mục đích kiểm soát tuân thủ chất lượng, điều tiết lượng hàng nhập khẩu. Bởi thực tế nhiều nước đã dựng hàng rào quy chuẩn kỹ thuật khắt khe.
Bộ Công Thương cần tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước. Ngoài ra, cần xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các mặt hàng thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu.
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) TS Nguyễn Thị Thu Trang
TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhận định: hàng rào kỹ thuật Việt Nam tuy có nhưng rất đơn giản khi chỉ đánh giá sản phẩm mẫu. Vì vậy, cần lập hàng rào kỹ thuật theo chuẩn mực quốc tế để ngăn chặn hàng nhập khẩu kém chất lượng. Mặt khác, cần xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam.