70 năm giải phóng Thủ đô

Tại xã Việt Long, huyện Sóc Sơn: Nỗi lo di tích xuống cấp

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trải qua mưa nắng và sự tàn phá của thời gian, hiện có 3/4 di tích lịch sử tại xã Việt Long, huyện Sóc Sơn đã được UBND TP Hà Nội xếp hạng đang xuống cấp nghiêm trọng.

Việc các di tích xuống cấp không được tu sửa kịp thời đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là khi có mưa bão.
Hoành xà rơi khiến chuông đồng...  mẻ
Nằm giữa thôn Tiên Tảo, chùa Tiên Tảo (xã Việt Long) là công trình văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tâm linh của cư dân nơi đây. Dù vậy, sự xuống cấp đáng báo động của ngôi chùa này đang khiến người dân không khỏi xót lòng. Nhìn toàn cảnh, công trình lụp xụp không khác một căn nhà cấp bốn. Phần tường của ngôi chùa bị nứt, vỡ nhiều điểm kéo dài. Mái ngói bị xô lệch. Bên trong ngôi chùa có niên đại lên tới 280 năm này, hệ thống hoành xà bằng gỗ xoan, gỗ liễu qua dãi dầu mưa nắng đã bị hư hỏng, đứt gãy. Cột trụ chống chùa bị mọt ruỗng. Mái chùa thủng, dột, nên nước mưa thậm chí còn thấm cả vào điện thờ chính... 

Phần tường chùa Tiên Tảo bị nứt một đoạn dài. Ảnh: Lâm Nguyễn

Sư trụ trì chùa Tiên Tảo Thích Minh Nguyên cho biết, mối lo gãy, đổ phần mái đã không chỉ còn dừng ở mức độ nguy cơ. Trong đợt mưa lớn hồi tháng 7/2017, một thanh xà lớn đã rơi trúng chiếc chuông đồng được đặt trong chùa. Thanh xà rơi va đập đã khiến chiếc chuông bị mẻ một miếng to gần bằng bàn tay. Rất may mắn khi không có ai bị thương trong sự cố này. Theo sư trụ trì Thích Minh Nguyên, đây không phải là lần đầu tiên những chiếc hoành xà ở chùa Tiên Tảo bị rơi. Trước mối đe dọa trên, năm nào bước vào mùa mưa bão, nhà chùa cũng phải kiểm tra, thay thế hoặc gia cố những kết cấu bị hư hỏng, mối mọt bằng những thanh gỗ dự phòng. Cùng với công việc chằng buộc tạm bợ đó là khuyến cáo người dân không được phép ở lại trong chùa mỗi khi trời mưa to, gió lớn.  
Bất lực vì thiếu kinh phí
Theo chia sẻ của nhiều người dân địa phương, chùa Tiên Tảo không chỉ là chốn tâm linh, mà tại đây hiện vẫn đặt bia ghi danh nhiều con em liệt sỹ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Các gia đình coi ngôi chùa giống như nơi thờ cúng cho con em của họ. Những năm qua, bà con cũng có đóng góp kinh phí và công sức để tu sửa chùa. Nhưng do kinh tế có hạn nên việc sửa chữa chỉ được tiến hành theo kiểu “da beo”, có đến đâu làm đến đó. Giờ đây, khi việc huy động kinh phí trở nên khó khăn, người dân chỉ còn biết bất lực nhìn công trình ngày một xuống cấp, hư hỏng nặng hơn…   
Bài toán khó khăn về kinh phí trùng tu di tích tiếp tục được Chủ tịch UBND xã Việt Long Nguyễn Ngọc Chuyền đề cập tới khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị. Do không có kinh phí nên đã rất lâu rồi, chùa Tiên Tảo chưa được trùng tu một cách bài bản. “Chỉ khi có hạng mục thuộc di tích nào đó bị hư hỏng nặng, buộc phải thay thế, địa phương mới huy động ngân sách để xử lý cấp bách. Riêng nguồn vốn phục vụ nâng cấp tổng thể thì địa phương không đủ lực để bố trí triển khai được…” - ông Chuyền bộc bạch.
Không chỉ có chùa Tiên Tảo, theo ông Chuyền, 2 di tích lịch sử quan trọng khác trên địa bàn xã Việt Long là đình Lương Phúc và đình Tăng Long cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng và hiện chưa được tu sửa.
Mỗi mùa mưa bão đến, nỗi lo về sự xuống cấp của các di tích trên địa bàn xã Việt Long lại ngày một lớn hơn. Nguy cơ xảy ra sự cố nghiêm trọng đang hiện hữu từng ngày. Chính vì vậy, nguyện vọng của đông đảo người dân địa phương là các đơn vị chức năng của TP quan tâm, sớm có kế hoạch khảo sát, đánh giá mức độ hư hỏng của chùa Tiên Tảo và 2 ngôi đình. Từ đó, có giải pháp nâng cấp tổng thể nhằm bảo vệ cho những di tích lịch sử đã gắn liền với đời sống của cư dân nơi đây suốt hàng trăm năm qua được trường tồn.
Năm 2015, với sự hỗ trợ của một ngân hàng thương mại, đình Tiên Tảo - một trong 4 di tích của xã Việt Long đã được tu sửa tổng thể. Tuy nhiên, chùa Tiên Tảo và 2 ngôi đình Lương Phúc, Tăng Long thì không có được may mắn này.