Tài xế taxi, xe ôm công nghệ lo thất nghiệp

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi kết thúc thời gian giãn cách xã hội, các tài xế taxi, xe ôm công nghệ hào hứng quay trở lại với công việc thường nhật, cải thiện thu nhập. Song giờ đây, họ lại tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, bởi dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại tại Đà Nẵng và có nguy cơ lây lan ra các địa phương, trong đó có Hà Nội.

 Lái xe ôm công nghệ tự trang bị, đeo khẩu trang khi đón khách. Ảnh: Thành Luân
Mối lo kép
Anh Nguyễn Hoàng Hải (37 tuổi, trú tại Tô Hiệu, Cầu Giấy) tài xế GrabCar chia sẻ, sau giãn cách xã hội, phải mất một tháng, anh mới có thu nhập tốt hơn. Khi có tin tức về đợt dịch Covid-19 thứ 2 bùng phát trở lại, anh Hải khá lo lắng vì trong đợt dịch lần trước, lượng khách giảm rõ rệt, ước chừng hơn 50%, chạy "căng" lắm cũng chỉ hơn 1 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cũng không để lại được bao nhiêu.
"Tôi và vợ đều chạy taxi đến nay đã được 2 năm. Sau thời gian giãn cách xã hội, cả hai thay phiên nhau "cày" hơn 15 tiếng/ngày để đủ tiền trang trải cuộc sống, trả góp cho ngân hàng tiền mua xe. Giờ dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng, chúng tôi không chỉ lo thu nhập giảm dễ dẫn đến gối nợ, mà còn lo ảnh hưởng tới sức khỏe, vì chạy taxi tiếp xúc nhiều khách, không rõ họ có đi từ vùng dịch về không?" - anh Hải chia sẻ.
Cũng như anh Hải và nhiều tài xế khác, anh Trần Hồng Sơn (28 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc, Ba Đình), xe ôm công nghệ của hãng Grab cũng tỏ ra khá lo lắng khi Hà Nội có hơn 20.000 người trở về từ Đà Nẵng. Tuy nhiên, anh cho biết đã có kinh nghiệm phòng dịch từ đợt trước nên cũng không quá lo về sức khỏe. "Tôi cùng nhiều anh em đồng nghiệp đã tự trang bị sẵn khẩu trang, dung dịch rửa tay, áp dụng các biện an toàn và vệ sinh cần thiết. Tuy nhiên, nếu dịch bùng phát trở lại Hà Nội thì quả thật rất khó khăn, chúng tôi có thể lại thất nghiệp, trong khi cả gia đình đều trông vào những cuốc xe này" - anh Sơn nói.
Sẵn sàng với tình huống xấu nhất
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, khi có thông tin về ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng, một số đơn vị cung cấp dịch vụ taxi, gọi xe như Grab, Mai Linh đã có các phương án để phòng tránh dịch bệnh có thể lây nhiễm trên địa bàn TP. Đại diện hãng Grab cho biết, do còn nhiều lo ngại về nguy cơ xảy ra "làn sóng thứ hai" của đại dịch, hãng đã triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống dịch bệnh như hỗ trợ tài xế khẩu trang, các sản phẩm vệ sinh cần thiết; linh hoạt hủy chuyến và gửi phản hồi nếu tài xế hoặc hành khách không đeo khẩu trang; khuyến khích thực hiện rửa tay thường xuyên và sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt; phụt xịt, khử khuẩn và lắp màn chắn bảo vệ xe miễn phí. Trường hợp các tài xế xét nghiệm dương tính với Covid-19 theo xác nhận của cơ quan y tế, sẽ được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/trường hợp phục vụ điều trị.
Đại diện tập đoàn Taxi Mai Linh cho biết, ngoài các biện pháp phòng tránh dịch bệnh Covid-19, đơn vị cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào kinh doanh, tăng cường việc thanh toán không dùng tiền mặt qua thiết bị thanh toán thông minh SmartPOS, đảm bảo an toàn cho lái xe và hành khách khi tham gia giao thông. “Chúng tôi thực sự rất khó khăn trong đợt Covid-19 vừa rồi. Bây giờ, dịch trở lại với biến chủng được cảnh báo nguy hiểm hơn, chúng tôi kêu gọi các khách hàng bình tĩnh đồng hành cùng Chính phủ chung tay tiếp tục đẩy lùi đại dịch Covid- 19, không chủ quan nhưng cũng không nên hoang mang lo lắng quá vì chúng ta đã có kinh nghiệm chống dịch thành công từ đợt trước” - đại diện Tập đoàn Mai Linh nói.