Bão đến Hà Nội, gió giật cấp 12
Theo bản tin nhanh về bão số 3 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào cúc 20 giờ tối nay (7/9) vị trí tâm bão ở khoảng 21 độ vĩ bắc; 105.8 độ kinh đông, trên đất liền Thủ đô Hà Nội. Bão mạnh cấp 10 giật cấp 12. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, tốc độ khoảng 15 - 20 km/giờ.
Như vậy sau một thời gian duy trì cường độ cao ở 11 - cấp 12 (103 - 133 km/giờ), giật cấp 15 tại địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, báo số 3 đã giảm nhẹ cấp độ khi tâm bão đi vào địa phận TP Hà Nội.
Tuy nhiên, với sức gió lên tới cấp 10, giật cấp 12, đây vẫn được xem là sức gió rất mạnh của cơn bão này. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, người dân Thủ đô chia sẻ nhiều thông tin, hình ảnh về sức mạnh khủng khiếp của cơn bão này. Gió mạnh đến mức, ngồi trong nhà cao tầng đóng kín cửa vẫn có thể nghe tiếng gió rít chói tai ở bên ngoài. Nhiều người không dám và không thể ra khỏi nhà vì gió quá to và mưa quá lớn.
Trước đó, vào chiều 7/9, khi tâm bão vẫn đang ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương nhưng TP Hà Nội đã phải chịu nhiều thiệt hại của bão số 3. Mưa lớn, gió giật mạnh, nhiều khu nhà cao tầng bị nứt kính, cảm giác rung lắc mạnh. Rất nhiều khu vực của Hà Nội đã bị mất điện. Điển hình như mưa lớn, gió mạnh khiến 1 góc ngôi nhà 2 tầng trên phố Khâm Thiên (quận Đống Đa) bị sập hay như gió to đã quật đổ một ngôi nhà 4 tầng tại xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất.
Gió to cũng khiến nhiều cây xanh trên các tuyến phố của Hà Nội bị gẫy đổ. Điển hình là cây cổ thụ trong khuôn viên biệt thự Pháp cổ số 49 Trần Hưng Đạo và cây đa cổ thụ gần đền Bà Kiệu (quận Hoàn Kiếm) bị bật gốc. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội, tính đến 15 giờ 30 ngày 7.9, gió bão đã khiến 484 cây xanh trên địa bàn bị đổ, gãy cành. Cây đổ khiến 2 người chết, 7 người bị thương.
Bão sẽ tiếp tục suy trì cấp độ cao
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 3 sẽ tiếp tục duy trì cấp độ mạnh trong thời gian từ giờ đến hết đêm nay. Tối và đêm nay, Hà Nội vẫn chịu tác động gió cấp 6 - cấp 7, đặc biệt là tác động của gió giật mạnh cấp 10 - cấp 11, rất nguy hiểm” – ông Khiêm nói và lưu ý thêm, sau khi gió bão kết thúc, người dân vẫn phải cảnh giác cao độ khi hiểm họa về lũ quét và sạt lở đất vẫn duy trì.
Lí giải về nguyên nhân bão số 3 duy trì cấp độ cao, ít suy giảm dù đã đổ bộ vào đất liền, chuyên gia Mai Văn Khiêm cho hay, theo hình ảnh từ vệ tinh có thể thấy từ sáng nay, hệ thống mây của bão Yagi đối xứng và có tính chất bao trùm rất rộng lên Bắc bộ, Bắc Trung bộ.
Với tính chất tốt như vậy, bão sẽ hội tụ, duy trì được năng lượng khi càn quét đất liền dẫn đến việc giảm cấp nhanh rất khó. Bão cần có thời gian nhất định trước khi tác động với địa hình và đi sâu vào đất liền để tiêu tán năng lượng. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, miền Bắc đã trải qua những ngày nắng nóng. Đây là điều kiện giúp bão có nguồn năng lượng duy trì được cường độ mạnh.
Theo chuyên gia Mai Văn Khiêm, nguyên nhân chính khiến bão sỗ 3 duy trì cấp độ cao dù đã đi vào đất liền là bởi hoàn lưu bão rộng, có tính chất, hệ thống đối xứng. Sau đợt oi nóng, ẩm ở miền Bắc, bão đi vào đã kết hợp với yếu tố khác. Khi dòng gió xoáy của bão có bối cảnh nóng ẩm, gặp mặt đệm, vật cản như ở khu đô thị thì tạo ra dòng gió thứ cấp, hút gió tạo ra gió giật rất mạnh