Tạm dừng lưu thông TPCN tảo xoắn Spirulina

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục An toàn thực phẩm ban hành công văn số 4604/ATTP-SP về việc tạm dừng phân phối và lưu thông sản phẩm Thực phẩm chức năng Tảo xoắn Spirulina của Công ty cổ phần đầu tư sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Vạn Thành, có địa chỉ tại 44/5 Phạm Văn Hai, phương 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu công ty đến làm việc về việc xác minh và giải quyết vấn đề liên quan đến hồ sơ công bố sản phẩm Thực phẩm chức năng Tảo xoắn Spirulina. Tuy nhiên, Công ty đã không đến làm việc theo đúng thời hạn.

Theo Cục An toàn thực phẩm, trước đó, Cục đã yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất thương mại Xuất nhập khẩu Vạn Thành đến làm việc về việc xác minh và giải quyết vấn đề liên quan đến hồ sơ công bố sản phẩm TPCN tảo xoắn Spirulina. Nhưng công ty đã không đến làm việc theo đúng thời hạn. Vì vậy, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu công ty tạm dừng phân phối và lưu thông sản phẩm TPCN tảo xoắn Spirulina để tiến hành xác minh và giải quyết các vấn đề có liên quan đến sản phẩm nêu trên.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, mọi sản phẩm TPCN đều phải được công bố tiêu chuẩn chất lượng trước khi lưu hành ra thị trường, cả TPCN sản xuất trong nước và nhập khẩu. Các sản phẩm khi làm thủ tục đăng ký công bố tiêu chuẩn sản phẩm phải cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan, đặc biệt các tài liệu khoa học có giá trị pháp lý chứng minh tác dụng của chất có hoạt tính sinh học trong sản phẩm đăng ký, những tài liệu của nước sở tại cho phép lưu hành tự do theo quy định.

Để siết chặt việc quản lý TPCN trên thị trường, Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm phát hiện sớm những vi phạm, đặc biệt trong lĩnh vực quảng cáo. Ngoài ra, thẩm định điều kiện cơ sở và chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP để phối hợp quản lý sản phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, đồng thời tăng cường năng lực kiểm nghiệm các chất có hoạt tính sinh học, nghiên cứu thử nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Những trường hợp khó phân biệt phải thành lập hội đồng tư vấn chuyên môn, hội đồng thẩm định với sự tham gia của Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý Dược, Vụ Y học cổ truyền theo đúng quy định. Mặt khác tăng cường hợp tác quốc tế để hoàn thiện lý luận quản lý TPCN, kinh nghiệm quản lý TPCN làm cơ sở xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quản lý sản phẩm, bảo đảm an toàn cho cộng đồng, hài hòa với quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật.