KTĐT - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng giao Ủy ban Dân tộc chủ trì việc nghiên cứu, đề xuất để sửa đổi căn bản các cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc áp dụng cho giai đoạn 2011-2015.
Trước mắt, chưa điều chỉnh đầu tư năm 2009-2010 của một số chính sách, dự án thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006- 2010 áp dụng cho các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008.
Cùng với ý kiến chỉ đạo trên, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng giao Ủy ban Dân tộc chủ trì việc nghiên cứu, đề xuất để sửa đổi căn bản các cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc áp dụng cho giai đoạn 2011-2015.
Được biết, thời gian qua, cùng với việc ban hành Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ đầu tư các dự án thuộc Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 (Chương trình 135 giai đoạn II). Đây là những quyết sách có ý nghĩa quan trọng góp phần hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các xã đặc biệt khó khăn và cụ thể là 61 huyện nghèo nhất nước hiện nay.
Tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định, đối với các thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II, định mức đầu tư các hợp phần cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất được tăng lên mức 200 triệu đồng/thôn, bản/năm và 50 triệu đồng/thôn, bản/năm so với trước đây ở mức 150 triệu đồng/thôn, bản/năm và 30 triệu đồng/thôn, bản/năm (Quyết định 101/2009/QĐ-TTg).
Tương tự, đối với các xã thuộc Chương trình 135, định mức đầu tư hợp phần cơ sở hạ tầng được nâng lên 1 tỷ đồng/năm/xã, so với mức 800 triệu đồng/năm/xã trước đây; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cũng được nâng lên mức 300 triệu đồng/xã/năm, so với mức cũ 200 triệu đồng/xã/năm; dự án đào tạo cán bộ xã, cộng đồng vẫn giữ nguyên mức là 60 triệu đồng/xã/năm.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định thay đổi lớn đối với các chính sách hỗ trợ dịch vụ nâng cao đời sống tại hợp phần 4, trong đó mở rộng đối tượng hỗ trợ học sinh là con hộ nghèo đi học tại các cơ sở giáo dục phổ thông đều được hưởng mức 140.000 đồng/tháng/học sinh chứ không chỉ giới hạn đối với học sinh con hộ nghèo nhưng phải học bán trú mới được hưởng như trước đây. Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép kéo dài nội dung hỗ trợ học sinh này cho tới hết tháng 5/2011.
Theo số liệu của Ủy ban Dân tộc, trong 3 năm triển khai Chương trình 135, hầu hết các tỉnh đều đã thực hiện dự án phát triển cơ sở hạ tầng khá tốt, lựa chọn công trình đúng quy hoạch, hợp lòng dân. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo điều kiện tích cực cho đồng bào các dân tộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp thu và áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, quy mô sản xuất được mở rộng, các ngành nghề, dịch vụ, phục vụ sản xuất được chú trọng và phát triển hơn. Cụ thể như: hỗ trợ bò cho những hộ nghèo, thiếu sức kéo, chưa có bò; hỗ trợ bằng giống lúa năng suất cao, phân bón, thuốc trừ sâu; xây dựng mô hình trồng lúa- cá, trồng nấm,..., kết hợp với tập huấn khuyến nông; hỗ trợ máy móc phục vụ sản xuất.
Tính riêng năm 2008, Chính phủ đã dành 3.800 tỷ đồng dành cho Chương trình 135 giai đoạn II, hỗ trợ đầu tư rất quan trọng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng mới được hơn 500 công trình trong phạm vi cả nước, chủ yếu là các chương trình về hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế và tăng cường nhận thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số...
Rõ ràng là, các chính sách Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn, phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các vùng đặc biệt khó khăn.