70 năm giải phóng Thủ đô

Tấm gương vượt khó của một người khiếm thị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tự ý thức hoàn cảnh của bản thân, anh Nguyễn Châu Sơn - Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm luôn tâm niệm: Sống và học tập theo gương Bác Hồ là tích cực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi lĩnh vực.

Sinh trưởng trong một gia đình thuần nông ở xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, từ nhỏ Nguyễn Châu Sơn đã ý thức cố gắng phấn đấu học tập để không phụ lòng cha mẹ. Năm 1988, hoàn cảnh kinh tế gia đình gặp khó khăn, anh đi xuất khẩu lao động tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Ở nơi đất khách quê người, công việc vất vả cộng thêm thời tiết khắc nghiệt, anh mắc phải căn bệnh lạ, hiếm gặp và khó chữa nên thị giác bị hỏng hoàn toàn.

 
Anh Nguyễn Châu Sơn - Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm.
Anh Nguyễn Châu Sơn - Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm.
Bỗng dưng trở thành người khiếm thị khi mới ngoài 20 tuổi, cú sốc này khiến anh những tưởng khó vượt qua với những tháng ngày đau đớn, buồn tủi. Tuy nhiên, được gia đình động viên, an ủi, dần dần anh cũng lấy lại sự cân bằng, vượt qua mặc cảm và tâm niệm phải sống cho có ý nghĩa. Với quyết tâm đó, anh gửi đơn xin tham gia Hội Người mù quận Ba Đình. Bằng nghị lực và ý chí ham học hỏi, sự động viên giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, anh đã hoàn thành tốt các khóa học để có thể sử dụng tài liệu bằng chữ nổi, đánh máy tính thành thạo... Năm 2001, anh Sơn được cử sang Hội Người mù quận Hoàn Kiếm giữ chức Phó Chủ tịch. Sau 7 năm tích cực tham gia các hoạt động của Hội, năm 2008, anh được bầu giữ chức Chủ tịch. Anh tâm niệm, dù là người khuyết tật cũng không nên ỷ vào sự hỗ trợ từ người khác, phải biết tham gia, đóng góp một phần sức lực dù nhỏ giúp xã hội ngày một tốt đẹp. Vì vậy, ở cương vị mới anh luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên, hoặc đến từng nhà vận động, khuyến khích người khiếm thị tham gia các hoạt động để họ bớt mặc cảm, tự tin đương đầu với mọi khó khăn trong cuộc sống. Theo anh, học tập và làm theo tấm gương của Bác thực ra không phải là cứ phải làm việc gì đó cao xa, mà học ngay từ việc đi làm đúng giờ, tổ chức hội nghị, sự kiện sao cho tiết kiệm… Vì thế nên những người khuyết tật như anh cũng có thể học tập và làm theo Bác. "Bản thân tôi đã ý thức con người phải biết thích nghi với hoàn cảnh, cuộc sống sẽ không vì ta mà chậm lại. Nếu làm được điều đó sẽ không lo bị đào thải. Chẳng có ai thương mình bằng chính bản thân mình. Do vậy, dù vất vả đến đâu tôi cũng cố gắng động viên, khuyến khích giúp các hội viên cùng hoàn cảnh hiểu và tự tin hơn trong cuộc sống" - anh Sơn tâm sự.

Ngoài những công việc thường ngày của hội, anh còn cộng tác viết bài cho các báo Nhân Dân, Phụ nữ… Tính đến nay, anh có hơn 50 bài viết, chủ yếu về gương người tốt, việc tốt, các hoạt động của hội người mù các cấp... Năm 2013, trong cuộc thi viết về đề tài "Người khuyết tật lập nghiệp" do Bộ LĐTB&XH tổ chức, anh vinh dự được nhận giải bài viết đạt chất lượng cao. Trong nhiều năm qua, anh liên tục nhận được Bằng khen từ Bộ LĐTB&XH, Hội Người mù Việt Nam, quận Hoàn Kiếm và được công nhận "Người tốt, việc tốt" tiêu biểu năm 2013 của TP Hà Nội.