70 năm giải phóng Thủ đô

Tắm khỏe trong mùa rét

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa đông tới, nhất là ở miền Bắc, nền nhiệt độ thường xuống rất thấp, khi có những hôm nhiệt độ ngoài trời chỉ đạt trên, dưới 10 độ C.

Ở một số tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc, nhiều dịp nhiệt độ xuống thấp kỷ lục, có khi dưới nền nhiệt độ âm, nghĩa là dưới 0 độ C và thường xuất hiện băng giá. Làm thế nào đảm bảo sức khỏe khi tắm?

Khi thời tiết giá lạnh con người ta thường rất ngại tắm, nhất là với những người không có điều kiện để tắm bằng nước nóng. Thế nhưng, kể cả trong nhà bạn luôn có nước nóng, và thói quen của bạn là hàng ngày tắm nóng, nhưng đôi khi bạn cũng cần phải lưu ý, bởi nếu không biết cách làm nóng cơ thể trước khi tắm thì nhiều khi cũng rất nguy hiểm, nhất là lúc cơ thể đang không được khỏe khoắn. Dưới đây là một số lưu ý khi tắm trong mùa đông lạnh giá:

Dành cho những người thường xuyên tắm nước lạnh

Dù bạn có đi tập thể thao hay không, trước khi tắm bằng nước lạnh, bao giờ bạn cũng phải khởi động làm nóng cơ thể bằng các động tác khua chân múa tay tại chỗ. Khi cơ thể ở trần đã dần nóng lên và dần thích nghi với nền nhiệt độ lạnh tự nhiên, lúc này bạn mới bắt đầu việc tắm.

 
Tắm khỏe trong mùa rét - Ảnh 1
Khi bắt đầu tắm, đầu tiên bạn nên dùng một chiếc khăn tắm nhúng nước rồi lau chậm, nhẹ nhàng lên khắp cơ thể. Việc làm ướt cơ thể như vậy tạo cảm giác cho bạn thích nghi dần với cái lạnh, để đến khi dùng gáo múc nước dội, hay vòi nước phun xả lên người bạn ào ào thì bạn cũng không còn cảm thấy quá lạnh nữa.

Việc tắm trong nước lạnh càng nhanh càng tốt, chính vì vậy mà sau khi làm ướt cơ thể, dội tắm qua bụi bẩn, bạn ngay lập tức thoa xà bông hay sữa tắm để kỳ cọ làm sạch, sau đó dội nước thật nhanh.

Những người tắm bằng nước lạnh thường xuyên thực ra cũng có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên việc gội đầu bằng nước lạnh lại không hề tốt chút nào, nó ảnh hưởng đến não bộ và các dây thần kinh trung ương đi qua da đầu. Vì vậy dù có tắm bằng nước lạnh, bạn cũng nên bớt chút thời gian đun một siêu nước nóng chỉ để dành riêng cho việc pha ấm rồi gội đầu.

Khi tắm xong, bạn phải nhanh chóng dùng khăn lau khô người rồi mặc đồ ủ ấm, và ngồi trong phòng kín gió. Nếu lúc đã tắm xong, và đã mặc đồ ấm rồi mà bạn cảm thấy lạnh run người thì nên pha một cốc trà gừng nóng rồi uống, đảm bảo mấy phút sau lạnh giá sẽ bị xua tan và thân nhiệt cơ thể bạn sẽ trở lại bình thường.

Dành cho những người tắm bằng nước nóng

Cũng như việc tắm bằng nước lạnh, những người thường xuyên tắm nước nóng cũng nên có khoảng 10-15 phút làm động tác khởi động thân nhiệt cơ thể trước khi bước vào phòng tắm. Bạn chỉ cần đứng một chỗ trong phòng rồi lắc lư, uốn éo cơ thể, vung tay, đá chân... Việc khởi động như thế không chỉ giúp thân nhiệt tăng lên, mà nó còn giúp các khớp tiết sinh chất nhờn đồng thời giúp mạch máu lưu thông..
Tắm khỏe trong mùa rét - Ảnh 2.
Khi bạn tắm bằng nước nóng, phòng tắm phải được che chắn kín gió, tuyệt đối không mở cửa sổ, cửa chớp quá rộng để cho gió lạnh lùa vào, bởi khi hơi nóng kết hợp với gió lạnh thổi rất dễ làm bạn bị trúng gió, phải cảm, thậm chí dẫn tới đột quỵ, nếu như sức khỏe của người đang tắm lúc đó không được khỏe cho lắm...

Dù tắm bằng bồn, bể, hay dưới vòi sen, bạn cũng không nên pha nước quá nóng, bởi nếu nước nóng quá sẽ làm cho da bạn bị bỏng rát, đồng thời khiến da bị khô nứt nẻ khi tắm xong. Bạn nên pha nóng theo tỉ lệ: 2 lạnh, 1 nóng là vừa. Thậm chí những người khỏe khoắn có thể chỉ cho một chút nước nóng thôi để làm sao khi tắm thấy nước chỉ hơi âm ấm là được. Tắm thiên về lạnh như vậy da bạn sẽ mềm mại và giàu độ ẩm hơn.

Để hạn chế việc tắm nước nóng bị khô da, làm da nứt nẻ, bỏng rát, bạn nên hạn chế tắm bằng xà bông cục, mà nên tắm bằng các loại sữa tắm có chất dưỡng ẩm. Bạn cũng có thể thả vào bồn, chậu nước vài giọt tinh dầu sả, hoa oải hương... Nếu không, bạn chỉ cần dùng chanh quả cắt lát, hoặc vỏ cam chà sát lên da khi tắm cũng tạo cho da thịt sự mềm mại.