Tấm lòng mẹ Tuyết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gắn bó với Làng trẻ em Birla (phường Mai Dịch, Cầu Giấy) hơn chục năm, đối với chị Mai Thị Tuyết, người mẹ nuôi của 31 đứa trẻ tại khu nhà C4, hạnh phúc là được chăm sóc, nuôi dạy để các con không mặc cảm với số phận, vững bước trưởng thành.

Chị Tuyết sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1990, chị xây dựng gia đình. Những tưởng hạnh phúc sẽ vẹn tròn mãi mãi, thế nhưng, chồng chị không may mắc bệnh hiểm nghèo rồi mất, khi hai người chưa kịp có con. Buồn vì số phận, nhưng chị không bi lụy và gắng gượng đứng lên để xây dựng cuộc sống của mình. Ra Hà Nội tìm việc, qua báo, đài chị biết đến hoàn cảnh khó khăn của các em nhỏ tại Làng trẻ em Birla. Mặc dù  bạn bè và người thân khuyên can, song với tấm lòng của người phụ nữ, nỗi khát khao được làm mẹ, chị Tuyết quyết định nộp đơn xin vào làm việc tại đây để có cơ hội gần gũi và chăm sóc các em.

 
Mẹ Tuyết đọc sách cho các con sau giờ học trên lớp. Ảnh: Phạm Thu

Mẹ Tuyết đọc sách cho các con sau giờ học trên lớp. Ảnh: Phạm Thu
Dù công việc không đem lại nguồn thu nhập cao, song đối với chị, được gần gũi và chăm sóc các em nhỏ là niềm vui, niềm hạnh phúc, nhất là được chúng gọi bằng mẹ với sự ngây thơ trong trẻo và cả sự tin yêu của tình mẫu tử. Cảm nhận được hạnh phúc lớn lao mà cuộc đời mang lại cho mình, chị đã dồn hết tình yêu thương cho lũ trẻ. Và cũng bởi tình cảm đó nên chị đã tận tâm, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp cũng như các con hết lòng quý mến.

Đối với chị, mỗi ngày được nhìn thấy các con thương yêu, bảo ban lẫn nhau, ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ, đạt nhiều thành tích ở trường chính là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời. Chị Tuyết chưa bao giờ có suy nghĩ các con không phải do mình sinh ra mà coi nhẹ yêu thương. Làm mẹ của 31 đứa con, chị chăm lo chu toàn từ những việc nhỏ nhất như giặt giũ, nấu cơm, dọn dẹp và đưa đón các con đi học. Những lúc con gặp vấn đề khúc mắc hoặc bị bạn bè ở lớp trêu ghẹo, chị luôn là người chủ động gần gũi chuyện trò, khuyên bảo để các con quên đi sự mặc cảm và sớm hòa nhập với cộng đồng. Có lẽ nhờ sự đồng cảm đó nên nhìn các con ngày một trưởng thành, chị Tuyết lại nhớ đến tuổi thơ của mình với những ước mơ của thời cắp sách, được bố mẹ yêu thương, chăm sóc. "Sống ở đây, mỗi con một hoàn cảnh, một tính cách khác nhau, có đứa nhanh nhẹn nhưng cũng có đứa ít nói, lầm lũi, cục tính. Trong nhà, mình vừa làm mẹ, nhưng cũng vừa làm bố, có lúc nhẹ nhàng, nhưng cũng có lúc nghiêm khắc. Việc nhiều và không phải không khó khăn, mệt mỏi, nhưng bằng tình yêu thương, nên mọi thứ đều có thể vượt qua và để gắn kết tất cả thành một gia đình yên ấm" - chị Tuyết tâm sự. Được sống trong Làng trẻ em Birla, đối với các em nhỏ mồ côi thực sự là niềm hạnh phúc khi được các mẹ quan tâm chăm sóc, yêu thương. Em Trịnh Văn Đăng, 16 tuổi xúc động chia sẻ: "Trong cuộc đời này, mẹ Tuyết là người chúng em tôn trọng và yêu thương nhất. Mỗi lúc chúng em ốm đau, mẹ thường thức khuya, dậy sớm để chăm sóc, quan tâm chúng em như những đứa con ruột thịt của mình".

Hơn 10 năm gắn bó với Làng trẻ em Birla, cũng là từng đó năm, chị Tuyết dành tình yêu của người mẹ cho những đứa con bị thiệt thòi. Chị tâm niệm, cuộc đời mình đã có những lúc không may mắn, nhưng so với những đứa con mà chị yêu thương vẫn còn may mắn hơn nhiều. Có lẽ vì vậy mà bao nhiêu tình cảm vốn mang tính thiên chức của người phụ nữ, chị đều dồn cho tất cả các con, và với chị, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác chính là yêu thương, chăm sóc cho các con vượt qua khó khăn, định kiến để vững bước trưởng thành. Bởi sinh thời Bác dạy: Trẻ em như búp trên cành, và trẻ em cũng là tương lai của dân tộc. Những đóng góp của chị Tuyết trong việc nuôi dạy trẻ thiệt thòi đã được ghi nhận, tôn vinh bằng phần thưởng của UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" tiêu biểu năm 2013.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần