Là một cựu Thanh niên xung phong, bà Nguyễn Thị Thuộc, ở thôn Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội luôn nêu cao tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo vượt qua thời điểm khó khăn. Xuất phát từ một bệnh nhân trờ về từ Bệnh viện K (Hà Nội). Theo lời kể của chị về những hoàn cảnh khó khăn của nhiều bệnh nhân tại đây, năm 2014 bà Thuộc đã cùng với các chị em xóm ngõ, bạn bè thành lập ra nhóm từ thiện Từ Bi Tâm, kêu gọi những tấm lòng hảo tâm, đóng góp tiền, gạo, thực phẩm nấu cơm tặng cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt.
Trong vai trò Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong và là Ủy viên Ban chấp hành Hội phụ nữ xã Bát Tràng, bà Nguyễn Thị Thuộc được chị em tín nhiệm bầu làm Trưởng nhóm Từ Bi Tâm. Theo bà Nguyễn Thị Anh, một trong những thành viên của nhóm chia sẻ: Mỗi tuần một buổi nấu và tặng cơm cho những bệnh nhân vào chiểu thứ Ba hàng tuần. Mỗi buổi nhóm tặng từ 100 đến 150 suất cơm cho bệnh nhân tại Bệnh viện K, với mỗi suất 20.000 đồng. Nhiều buổi đi đưa cơm nhưng vẫn còn nhiều bệnh nhân không có cơm ăn, nhóm lại mua thêm mỳ tôm, hoặc tặng tiền để họ khỏi đứt bữa ăn. Các thành viên trong nhóm góp 200.000 đồng/tháng để gây quỹ hoạt động. Tuy nhiên, chỉ với số kinh phí đó sẽ không đủ để hoạt động thường xuyên, nên vai trò Trưởng nhóm của bà Thuộc rất quan trọng. Được hỏi, vì đâu mà bà và các thành viên trong nhóm làm việc từ thiện như vậy? Chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, bà Thuộc cho biết: Xuất phát từ cái tâm của một người thanh niên xung phong. Xưa kia bà không thuộc đối tượng phải đi bộ đội, nhưng với tình yêu quê hương đất nước, không quản ngại khó khăn, ác liệt của đạn bom xung phong ra chiến trường. Sau lần thoát chết ở cầu Đông Trù (Hà Nội) do trận bom trút xuống trong Chiến dịch 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, bà cùng 12 người trong Tiểu đội nữ thanh niên xung phong thoát chết đó là một sự may mắn trong đời.
Với bà, việc làm hiện nay không đáng gì so với nhiều người khác, bà chỉ muốn chia sẻ may mắn của mình cho những cảnh đời khó khăn. Ngoài việc tặng cơm cho bệnh nhân, bà và các thành viên trong nhóm còn vận động nhiều người phát tâm từ thiện giúp người, như tặng quà cho những người bị bệnh phong ở Thanh Hóa, Chí Linh (Hải Dương), Bắc Ninh… Câu chuyện của bà có lúc bị nghẹn lại vì những hoàn cảnh khó khăn và cần hơn những vật chất đó là tình người, sự chở che trong hoạn nạn. Một trong những câu chuyện ấn tượng nhất bà Thuộc kể với phóng viên đó là: Trong trận lũ quét qua Quảng Ninh năm 2015, bà cùng với những người trong nhóm Từ Bi Tâm đến tặng bánh mỳ, dép, đồ vật thiết yếu cho những gia đình đang bị cô lập sau cơn lũ. Chỉ là những cân gạo, bánh mỳ, đôi dép tưởng chừng quá nhỏ nhoi, nhưng với những cảnh đời này lại thấm đẫm tình người, giúp họ vượt qua được thời khắc khó khăn nhất. Theo chia sẻ của lãnh đạo xã Bát Tràng, ngay tại địa phương, bà Thuộc cùng với thành viên trong nhóm đã giúp nhiều người có hoàn cảnh éo le đặc biệt. Người được giúp nhiều nhất là một cháu cùng xã bị bệnh hiểm nghèo 95 triệu đồng cùng nhiều hoàn cảnh khác tại địa phương. Vào những dịp lễ 27/7, tết Nguyên đán nhóm đều tặng quà cho gia đình chính sách, người có công và gia đình khó khăn. Từ một nhóm nhỏ khoảng 30 người, với uy tín của bà với việc làm vì một chữ “tâm” đến nay nhóm Từ Bi Tâm đã có trên 100 thành viên cùng tham gia. Đến nay bà Thuộc và các thành viêm trong nhóm không nhớ được đã giúp bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn ngoài tặng cơm trong bệnh viện K. Chỉ biết, nơi đâu có hoàn cảnh khó khăn, qua lời kể, hay xem ở trên mạng biết được thông tin, nhóm lại cử đại diện đến tặng quà chia sẻ cùng họ. Trong đợt tổng kết Chỉ Thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, huyện Gia Lâm đã tặng giấy khen cho bà Thuộc và phát động nhận rộng điển hình tiên tiến trong cộng đồng, với tấm lòng nhân ái, lá lành đùm lá rách, giúp đỡ người hoạn nạn của bà và nhóm Từ Bi Tâm./.
Bà Nguyễn Thị Thuộc, Trưởng nhóm Từ Bi Tâm, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. |
Bà Nguyễn Thị Anh vừa nấu cơm, vừa chia sẻ cùng phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị trong căn bếp của gia đình bà Thuộc. |