70 năm giải phóng Thủ đô

Tấm lòng thơm thảo

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc sống chẳng mấy dư dả, hai thân già nuôi nhau nhờ gánh hàng bún mẹt, nhưng khi nhặt được chiếc ví có hơn 3 triệu đồng cùng nhiều giấy tờ quan trọng, vợ chồng bà Đặng Nguyệt Minh (trong ảnh, ở 64B phố Quán Sứ, Hoàn Kiếm) đã tìm mọi cách trả ngay cho chủ nhân.

 
Tìm đến gánh bún mẹt của vợ chồng bà Đặng Nguyệt Minh khi đã xế trưa, lúc này khách đã hết, vừa quét dọn, bà Minh vừa kể: Cách đây hơn một tháng, cũng vào tầm xế trưa, khi đang quét dọn quán, chồng bà nhìn thấy chiếc ví của khách hàng bỏ quên trên ghế. Nhưng vì đông khách nên không biết của ai... Khi ấy, chồng bà bảo, mở ví tìm số điện thoại gọi cho người ta quay lại lấy, mất sẽ khổ lắm.
Vì ngại mở đồ cá nhân của người khác, bà lại gói chiếc ví cẩn thận trong túi nylon và cất đi với suy nghĩ, "ngày mai, người ta sẽ tìm đến"… Nhưng rồi bà lại nghĩ, ngày hôm sau vào thứ Bảy, bà nghỉ không bán hàng, lo khách không tìm thấy ví, bà không yên tâm. “Lúc về, tôi dặn mọi người xung quanh, nếu ai đến hỏi ví thì chỉ đến nhà nhưng cũng không ai hỏi” - bà Minh nhớ lại.
Sau bà quyết định mở chiếc ví, thấy bên trong có rất nhiều giấy tờ quan trọng, thẻ ngân hàng và tiền mặt là 3,2 triệu đồng. Để tìm thông tin liên lạc với chủ nhân chiếc ví, bà kiên trì ngồi mở từng giấy tờ của chủ nhân và mừng rỡ khi tìm được số điện thoại của một người tên D. (xin được giấu tên) ở Thanh Xuân Bắc trong một mảnh giấy nhỏ.
Lúc đó, bà nghĩ: “Nếu không phải chủ nhân chiếc ví thì là bạn, mình gọi, họ sẽ liên hệ tới chủ nhân”. Dù lúc đó đã 23 giờ đêm, nhưng bà vẫn gọi điện để liên lạc với anh D. Và không ngờ, đó chính là chủ nhân chiếc ví. "Lúc đó tôi bảo “chị gọi điện báo với em để em ngủ cho ngon. Nếu nhà em gần thì đến lấy, còn không thì ngày mai, em đến”- bà Minh kể lại.
Qua lời kể của bà Minh, anh D. – chủ nhân chiếc ví khi nhận chiếc ví mừng đến rơi nước mắt. Trước đó, anh D. về cơ quan, mãi sau mới phát hiện mất ví. Lục tìm trong trí nhớ xem đã để ở đâu, quay lại chỗ làm việc tìm, xem lại hệ thống camera nhưng vẫn không thấy ví.
Cảm kích trước tấm lòng thơm thảo của vợ chồng bà Minh, anh D. có nhã ý muốn biếu chút tiền để “cảm ơn” nhưng bà từ chối. Bà bảo anh D: “Nếu muốn lấy thì chị đã không liên lạc với em. Chị biết cảnh khổ của người mất ví tiền và giấy tờ nên bằng mọi giá phải trả lại, không cần biết số tiền nhiều hay ít”.
“Nếu có lòng tham thì số tiền ấy bằng một tuần bán hàng của tôi nhưng tiền không quan trọng bằng số giấy tờ kia. Nên tôi cũng chỉ làm đúng lương tâm thôi. Ở đời giúp được ai thì cứ giúp, có phúc rồi sẽ có phần. Mình giúp người ta thì con mình ở xa, sẽ có người khác giúp lại” - bà Minh chia sẻ.
Được biết, vợ chồng bà Minh có hai con gái đã trưởng thành, một người ở Hà Nội, một người TP Hồ Chí Minh. Dù cuộc sống chẳng mấy dư dả, bươn chải với gánh bún mẹt đã 12 năm nay, nhưng ông bà luôn cảm thấy hạnh phúc và “nhàn nhã” vì có hai con gái, luôn cảm thấy thanh thản với những việc mình làm.