Sức ép tâm lý và bản lĩnh VĐV
Tại nhiều kỳ Đại hội thể thao khu vực và quốc tế đã có nhiều đội tuyển, VĐV của Việt Nam bỏ lỡ chiến thắng trong tầm tay, đánh mất HCV vào phút chót một cách rất đáng tiếc. Điển hình xạ thủ Hoàng Xuân Vinh từng 2 lần “cầm vàng để vàng rơi” trước khi đứng lên bục cao nhất ở Olympic Rio 2016. Tại Asiad 2010 và Olympic London 2012, Hoàng Xuân Vinh thi đấu không tốt ở loạt đạn cuối mang tính quyết định.
Tuyển Việt Nam có 11 lần vào đến bán kết, 3 lần vào chung kết AFF Cup; 10 lần vào bán kết và 6 lần vào chung kết SEA Games, chỉ đứng sau bóng đá Thái Lan và cao hơn hẳn những nước khác trong khu vực. Điều đó cho thấy, nếu chỉ nhìn vào trình độ, khả năng chuyên môn thuần túy thì cầu thủ Việt Nam không hề thấp. Thế nhưng, tuyển Việt Nam mới có 2 lần ở AFF giành chức vô địch. Điều đó cho thấy, ngoài trình độ chuyên môn thì yếu tố tâm lý, tinh thần có ảnh hưởng lớn đến thành tích của VĐV. Lý giải điều này, nhiều chuyên gia thể thao và các cựu VĐV cho rằng, VĐV Việt Nam chưa có được sự chuẩn bị tốt trước thi đấu, nhất là khi bước vào môi trường mới lạ, phải đối mặt nhiều thách thức từ đối thủ cho đến cổ động viên.
Ngoài ra còn nhiều yếu tố tác động khác như truyền thông, mạng xã hội. Đặc biệt là các VĐV trẻ khi bản lĩnh tinh thần còn yếu để đối mặt với việc thi đấu tập luyện đỉnh cao liên tục. Còn nhớ võ sĩ Nguyễn Thị Ngoan ở môn Karatedo đã chịp sức ép tâm lý do áp lực thi đấu, sức ép quá lớn khi 20 tuổi nhưng thi đấu hàng chục giải quốc tế lớn nhỏ, nhiều lần "xuất ngoại" thi đấu một mình, Nguyễn Thị Ngoan thầm lặng chịu đựng áp lực, với những tổn thương tâm lý chẳng ai hay. Tuy nhiên, với bản lĩnh “con nhà võ”, Nguyễn Thị Ngoan đã trở lại đội tuyển sau 3 năm để giành thành tích khi khuất phục trước võ sĩ nước chủ nhà Trung Quốc tại trận chung kết tại Asiad 19.
Khởi động chương trình huấn tinh thần
Để có một tâm lý, tinh thần và tự tin trong thi đấu thể thao phụ thuộc vào quá trình tập luyện từ nhỏ với môi trường sống cùng với sự giúp đỡ, định hướng từ HLV, huấn luyện tinh thần và chuyên gia tâm lý. Tuy nhiên, thể thao Việt Nam chưa có nhiều bác sĩ, chuyên gia tâm lý thể thao. Nhiều CLB thể thao chuyên nghiệp cũng đã ý thức rất rõ về vấn đề này, nhưng chưa được quan tâm, đây là điều gây ảnh hưởng không nhỏ cho thành tích của các VĐV.
Theo Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt: “Ở góc độ thể thao đỉnh cao, lãnh đạo Cục TDTT cùng toàn thể lãnh đạo các phòng chuyên môn rất quan tâm đến nội dung huấn luyện tinh thần. Các đội tuyển thể thao quốc gia Việt Nam hiện nay, vị trí HLV tâm lí, tinh thần, chăm sóc sức khỏe còn rất hạn chế. Thể thao Việt Nam đang hướng đến việc xây dựng vị trí việc làm, xây dựng và đào tạo đội ngũ HLV”.
Hiện nay, hầu hết các HLV chuyên môn trực tiếp sẽ được hình dung là đảm nhiệm kiêm cả vai trò chuyên gia tâm lý, huấn luyện tinh thần cho các VĐV. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi cả một quá trình bởi HLV tinh thần có vai trò rất lớn, thậm chí còn phải đồng hành, sát cánh, “điểm tựa” vững chắc và hỗ trợ HLV trưởng.
Theo chuyên gia huấn luyện tinh thần Alain Goudsmet, khi quan sát các VĐV tại làng Olympic qua các kì Thế vận hội có sự khác biệt rõ rệt giữa các VĐV có thành tích cao và các VĐV tại Olympic về nhận thức.
"Có những VĐV chỉ cần lọt vào Olympic hay VĐV mong muốn giành huy chương và VĐV đặt mục tiêu trở thành huyền thoại. Cần phải rèn luyện cho các VĐV ngay từ đầu để trở hành các VĐV có tính kỉ luật cao về tinh thần. Vì vậy, người huấn luyện tinh thần sẽ cần phải chú ý đến hai khía cạnh vô cùng quan trọng, đó là đơn giản hóa thậm chí tối giản hóa ngôn từ và trực quan hóa, hình ảnh hóa nội dung muốn truyền tải" - ông Alain Goudsmet nhấn mạnh.
Với mong muốn giúp đỡ thể thao Việt Nam, HLV tinh thần Alain Goudsmet đã xây dựng dự án trong công tác đào tạo cấp độ nền tảng. Cấp độ này giúp VĐV tăng cường khả năng tập trung, nâng cao sự tự tin, rèn luyện tinh thần vượt khó và quản lý cảm xúc. Đối tượng hướng tới không chỉ là VĐV mà cả HLV trưởng, các thành viên ban huấn luyện.
Trong chương trình “Đào tạo kỹ thuật huấn luyện tinh thần cho HLV các đội tuyển thể thao quốc gia” diễn ra tại Hà Nội thu hút hơn 100 HLV các đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ, nhằm đào tạo đối tượng nguồn để tiếp tục nhân rộng những khóa tập huấn này trong tương lai. Nhiều chuyên gia khẳng định, huấn luyện tinh thần có đặc thù và rất cần thiết trong thể thao. Việc rèn luyện và làm chủ được kỹ năng tinh thần sẽ giúp HLV vượt qua những rào cản tâm lý, quản lý mối quan hệ giữa họ với thành viên trong ban huấn luyện và các VĐV được hiệu quả hơn.
Theo HLV Thể dục dụng cụ Trương Minh Sang: “Số đông các HLV hiện tại đều tập trung quá nhiều vào chuyên môn, đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh kết quả mà thiếu đi sự đồng cảm, thấu hiểu về cảm xúc của VĐV lúc đó. Tư duy chủ quan của HLV phần nào khiến VĐV thu mình hoặc thiếu cởi mở trong trao đổi. Sẽ là tốt hơn khi giúp VĐV mở lòng, nếu cuộc trao đổi bắt đầu từ câu hỏi tại sao hôm nay bạn làm tốt hoặc không tốt như vậy? Sau đó, thầy trò sẽ cùng trao đổi, tìm ra nguyên nhân để khắc phục hoặc có thể thực hiện tốt hơn. Cảm xúc, tâm trạng của VĐV thực sự cần được quan tâm, chứ không chỉ tập trung quá nhiều vào chuyên môn".