Tận dụng để đồng hành

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối thoại để DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kết nối thực chất hơn với đối tác DN địa phương, góp phần phát triển bền vững, nâng cao chất lượng nền kinh tế Việt Nam là những mục tiêu mà Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017 diễn ra cuối tuần qua hướng đến.

Được coi là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, từ nhiều năm nay, nguồn vốn FDI không chỉ đóng góp đáng kể cho tăng trưởng GDP mà còn thúc đẩy nhiều ngành sản xuất trong nước phát triển. Tuy nhiên, đầu tư FDI hiện đang có những cách nhìn khác nhau.

Đã có một thời, những dự án FDI được coi là cứu cánh cho nhiều ngành, địa phương. Vì thế nhiều nơi trải thảm đỏ với những chính sách ưu đãi để mời gọi đầu tư nước ngoài mà ít quan tâm đến công nghệ, môi trường, những vấn đề phát sinh sau đầu tư. Quan điểm của không ít người cho rằng đó là việc cần thiết phải làm khi mà nguồn lực trong nước còn ít, trình độ nhiều ngành kinh tế còn thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Tuy nhiên, khi làn sóng FDI lắng xuống, nhiều ý kiến cho rằng không ít DN FDI đã lợi dụng các chính sách ưu đãi từ đất, vốn, thuế… để kiếm lời mà quên đi trách nhiệm chuyển giao công nghệ, thực hiện các nghĩa vụ tài chính… Điều này là một phần nguyên nhân tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường đầu tư với các khu vực kinh tế khác, đặc biệt là với DN trong nước, DN tư nhân. Và với cách nhìn này, DN FDI đang như một tác nhân không nhỏ gây nên những bất ổn, ảnh hưởng đến cấu trúc nền kinh tế khi mà tỷ trọng doanh thu trong nhiều lĩnh vực liên tục tăng cao nhưng số thu từ khu vực này lại không tương xứng với những ưu đãi đã thực hiện. Việc chuyển dịch công nghệ đánh giá chung là chậm và lạc hậu. Tuy nhiên, không quá ưu ái với vốn FDI nhưng cũng không nhìn phiến diện khi lo ngại khu vực FDI lấn sân, chiếm thị phần của DN trong nước, thêm một góc nhìn mới từ VBF 2017 đó là tìm cơ hội tận dụng được sức mạnh của DN FDI, tăng sự kết nối và cộng sinh, tạo sự lan tỏa về công nghệ… Thực tế thời gian qua cho thấy, ngoài những chính sách hạn chế những dự án FDI công nghệ thấp, chống đầu cơ, chuyển giá, trốn thuế… điều quan trọng hơn cả là sự cộng sinh, hợp tác để tận dụng nguồn lực FDI còn quá yếu. Điều đó được thể hiện qua thực tế các dự án FDI có rất ít liên doanh, và 80% các dự án là 100% vốn nước ngoài. Thậm chí thống kê mới nhất mới chỉ có 14% DN tư nhân đang có khách hàng FDI trong nước. Ngoài ra, các DN Việt Nam chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn do đối tác nước ngoài đề ra.

Trong bối cảnh trên, điều quan trọng là phải làm sao để nguồn FDI cùng với ba động lực khác là khu vực nông nghiệp, DN Nhà nước và DN tư nhân tạo thành nguồn động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề này đòi hỏi các chính sách trong thời gian tới cần có những thay đổi căn cơ nhằm thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần